Nước Mắt Bỏng

Truyện ngắn

-  Tiên sinh, tiên sinh!
Dường như có tiếng ai đó vọng đến bên tai. Trong vô thức, gã mang máng nhận ra đấy là ngôn ngữ truyện Tàu hay trong vở tuồng nào đó. Làm gì có kiểu xưng hô cổ lỗ thế ở cái thế kỷ văn minh cùng mình này? Gã vẫn im lặng cúi đầu suy nghĩ.
-  Trần tiên sinh, Trần tiên sinh!
Lần này tiếng gọi rõ ràng là hướng về gã, hình như còn kêu đúng họ gã nữa. Rời khỏi trạng thái trầm tư mặc tưởng, gã ngẩng nhìn. Thất kinh, đứng trước mặt gã là người đàn ông tầm thước, khuôn mặt gầy nổi rõ góc cạnh, vẻ phong sương, cặp mắt hơi xếch dưới đôi mày rậm của một võ tướng. Càng lạ lùng hơn khi gã nhận ra chiếc khăn xếp trên đầu và áo lương đen phủ quần ống xớ màu trắng cổ xưa của người đàn ông. Người lạ nhìn gã chăm chăm, mặt buồn rượi. Nhận ra vẻ bối rối của gã, ông ta nói:
- Tiên sinh không nhận ra tôi sao?
Trong ngữ điệu câu nói, dường như có ý trách móc. Gã há mồm ngạc nhiên:
- Ông là?... Có thể gọi người lạ bằng bác thậm chí bằng anh vì anh ta còn trẻ, đang độ tráng niên, nhiều lắm cũng trong vòng tuổi “băm”. Nhưng do cách xưng hô cổ lỗ của khách và bộ quần áo anh ta mặc, gã phải chọn trong đám đại từ nhân xưng rối rắm của tiếng Việt được từ “ông” và ấp úng: "Ông… ông là..."
Sắc mặt người đàn ông hơi nghiêm lại:
- Tiên sinh mau quên quá. Tôi xin nhắc lại để tiên sinh nghe. Tiên sinh biết tôi rõ quá mà! Tiên sinh từng làm thơ về tôi, từng viết kịch về tôi và mới đây tiên sinh còn có bài luận, giọng văn hùng hồn lắm.

Nghe tới đó, gã tái mặt, sụp xuống chân người đàn ông, dập đầu vái như tế sao:
- Cụ Nguyễn, cụ Nguyễn! Cắn cỏ lạy cụ trăm lạy, xin cụ xá tội, con có mắt như mù, không nhận ra ngài tuy có lúc cũng ngờ ngợ.
Cúi người xuống, hai tay ân cần đỡ gã dậy, cụ Nguyễn nói ôn tồn:
- Ðừng, đừng làm vậy, tiên sinh!  Ðâu phải quỳ lạy mới là tôn kính? Vả tiên sinh cũng đừng gọi tôi bằng cụ. Những người thiên cổ chúng tôi không có tuổi. Dù hơn trăm năm đi qua nhưng tôi vẫn chỉ là tráng niên, trẻ hơn nhiều so với tiên sinh bây giờ. Kêu ngài là tiên sinh, tôi có cân nhắc cả.  Ở tuổi tác tiên sinh một phần, phần nhiều hơn ở lòng tôn trọng với người có học, với bậc văn nhơn. Tiên sinh biết đấy, dân chài dân ruộng chúng tôi vốn ít chữ. Càng ít chữ chúng tôi càng tôn trọng người học vấn. Tiên sinh nên kêu tôi như lúc đầu, như vậy phải hơn. Nhưng mà thôi, đừng để việc vặt làm mất thời giờ quý báu của tiên sinh, xin đi vô câu chuyện. Ðến thăm tiên sinh bữa nay tôi có hai điều sở nguyện. Thứ nhứt là cảm ơn tiên sinh và sau nữa, muốn cậy tiên sinh một việc. Tiên sinh chớ lấy làm lạ. Tôi cảm ơn tiên sinh cũng là phải đạo. Tôi có hy sinh thực nhưng tôi coi là bổn phận của mình, tôi đâu dám lấy đó làm công, càng không dám ỷ y chờ hậu thế mang ơn. Nói cho cùng, cái sự hy sinh ấy đâu chỉ mình tôi mà hàng ức triệu người. Cái chết nào cũng là cái chết. Tôi biết ơn tiên sinh trước hết ở tấm lòng. Tiên sinh dành cho tôi lòng yêu mến chân thành. Ðiều nữa, đáng quý hơn là tiên sinh hiểu tôi. Kính trọng sùng bái có nhiều, nhưng người thực hiểu mình đâu có bao nhiêu?! Tiên sinh thuộc vô cái số không nhiều ấy. Cổ nhơn gọi là tri âm. Như vàng mười, như ngọc quý, tri âm tri tâm bao giờ cũng hiếm. Tôi biết, người đời băn khoăn nhiều về hành trạng của tôi ở Phú Quốc: Tôi bị bắt, đầu hàng hay nạp mình? Người đời đã tranh biện nhiều và sẽ còn tranh biện. Có người nói tôi làm mất khí tiết. Ðàng nào cũng chết sao không đánh đến cùng để chết giữa trận mạc? Hay thậm chí tự vẫn để toàn phẩm giá! Họ coi tôi như kẻ chiêu hồi. Ngược lại, có người vì quá yêu lại nói rằng tôi đánh tới cùng rồi bị thương, bị bắt. Họ muốn tránh cho tôi tiếng xấu đầu hàng. Giữa hai luồng ý kiến ấy, giữa mê hồn trận của những ý đồ áp đặt và cơ hội ấy, tiên sinh đã trung thực gọi đúng tên sự vật. Việc làm cuối cùng của tôi ở Phú Quốc không thể gọi khác hơn là sự đầu hàng. Chấp nhận sự thật trần trụi và đau lòng ấy, tiên sinh cũng là người đốt bùng lên cái ý nghĩa triết học, ý nghĩa thẩm mỹ - như lời lẽ của tiên sinh- của hành động đó. Xin thú thực, khi yêu cầu một nghĩa quân trói mình lại để ra hàng, tôi chưa nghĩ tới những điều cao siêu như vậy. Tôi chỉ nghĩ đơn thuần: thế đã đến nước cùng, chỉ có đầu hàng mới cứu được mẹ tôi cùng sĩ tốt vô tội. Sau cái việc làm chẳng đặng đừng ấy, tôi quyết đền nợ nước. Nhưng thưa tiên sinh, nếu việc làm của tôi có được cái ý nghĩa như ngài đã biểu dương thì tôi cũng chẳng vì lý do gì mà chối từ. Nhân đây cũng xin thưa, trong bài thơ, tiên sinh mô tả tôi lấy dây rau muống biển trói mình. Ðiều này quả không có. Nó quá lãng mạn đối với kẻ võ biền như tôi. Nhưng không sao, tôi cũng chẳng phiền trách gì. Nếu như nó làm đẹp được phần nào cho thơ ca, xin tiên sinh cứ việc!
Nói tới đây ông Nguyễn khẽ cười, nụ cười thật hiền, đầy cảm thông và độ lượng.
- Thưa ông Nguyễn, gã đánh bạo lên tiếng, tôi không sáng tạo. Ðấy là truyền thuyết…
- Phải, truyền thuyết! Ông Nguyễn gật gật đầu. Tự bao giờ, truyền thuyết tồn tại trong dân gian như vỏ sò trên bờ bể. Cái công của nghệ sĩ là biết nhặt mảnh vỏ sò ghép nên bức tranh. Việc mà tiên sinh làm, đó đích thực là kỳ công của nghệ sĩ! Xin tiên sinh yên tâm, chẳng việc gì phải áy náy...
Ông hơi cúi xuống, gật gật đầu như tán thưởng câu nói chí lý của mình. Rồi đổi tư thế, chân phải đưa ra trước, hai tay chắp nhau đặt trước bụng, ông nhìn gã bằng cặp mắt xếch nghiêm nghị.
-   Rất cảm ơn tiên sinh, nhưng tôi cũng có một sở nguyện xin được tiên sinh chiếu cố. Tiên sinh biết đấy, hồi ở Hà Tiên tôi làm việc với quan Tuần vũ họ Huỳnh. Rất may mắn được gần cụ, tuy chẳng bao lâu nhưng Trực tôi rất trọng cụ. Sau này, Cụ cũng có lòng với tôi trong bài thơ điếu. Tư chất của cụ, cả khi đó cả sau này khiến tôi kính sợ. Tôi càng thấm lời răn của tiền nhơn: phải biết kính sợ các bậc văn nhơn! Vậy nên bữa nay, cũng với tấm lòng như thế, tôi tới gặp tiên sinh. Tôi biết rằng, chỉ tiên sinh mới đáp ứng được sở nguyện của tôi. Không có người thứ hai đâu, tiên sinh nhớ cho. Và tiên sinh cũng nhớ điều này: Trực tôi không ép buộc mà hoàn toàn sở cậy nơi lòng tự nguyện của tiên sinh…

Trong khi nói những lời trịnh trọng ấy, ông Nguyễn nhìn thẳng vào mắt gã
- Xin hỏi tiên sinh có ý kiến gì về cái gọi là mộ và hài cốt Nguyễn Trung Trực ?
Theo phản xạ tự nhiên, gã lướt nhìn ông Nguyễn thật nhanh rồi cúi mặt, không dám nhìn đáp lại luồng nhỡn quang sáng rực tỏa ra từ mắt ông. Tim gã đập đổ hồi và nỗi lo ập tới, nỗi lo của kẻ tội đồ trước còng số 8. Và rồi như bất cứ kẻ hèn nào khác, gã ấp úng:
- Thưa, thưa ông Nguyễn, tôi được biết, trong khu đình thờ ngài có ngôi mộ xây rất mô-đec, có đề chữ "Anh hùng Nguyễn Trung Trực" và thưa ông Nguyễn, như nhiều người dân Rạch Gía, tôi được chứng kiến cuộc rước hết sức long trọng hài cốt ông Nguyễn từ Nhà Bảo tàng tỉnh về đình. Vâng, cuộc rước long trọng lắm. Có cờ, có biển, có kiệu, có lọng, có trống khua, kèn thổi, có cả cảnh sát đi xe Huê Kỳ dẹp đường. Sau đó, đọc nhựt trình, người ta còn  biết, Nhà nước có sắc chỉ công nhận đình và mộ là di tích lịch sử…

Ông Nguyễn cười mỉm:
- Biết, điều đó tôi biết, nhưng tôi muốn hỏi suy nghĩ thực của tiên sinh trước những cái diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật ấy? Im lặng nhìn gã ý nhị, ông chậm rãi nói tiếp: Tiên sinh đừng dấu. Tiên sinh thừa hiểu đang nói chuỵện với ai. Bữa nay tôi rời bỏ chiếc ngai của thánh thần về đây đối thoại với tiên sinh như giữa những con người. Ðã coi tôi là thánh thần, xin tiên sinh đừng lấy vải thưa...

Ðôi mắt ông Nguyễn nhìn gã cười, vừa có vẻ bỡn cợt vừa có phần khích lệ. Rồi ông lại gật gật đầu:
-  Thôi được, để tôi giúp tiên sinh vậy. Thưa ngài cử nhơn bác vật học, ngài nghĩ gì khi chính mắt ngài nhìn ngắm nắm xương tàn được gọi là “hài cốt Nguyễn Trung Trực”?
Gã choáng người gần như muốn xỉu. Ðúng là tài thánh, không phải thánh thì sao ổng biết được mình đã từng mài đũng quần trên ghế giảng đường ? Hoảng quá, lòng ham sống sợ chết ứ lên, lấp cả trí khôn, gã lắp bắp:
- Ông… ông Nguyễn thường vặn họng người ta phải không ạ ?
Buột miệng nói xong, gã biết ngay là mình lỡ lời, ngu quá, thậm ngu. Gã tự rủa xả, nhưng nhất ngôn xuất khứ… Ông Nguyễn sựng người như bị vấp. Ông lắc lắc đầu tỏ vẻ không hài lòng rồi hỏi lại:
- Tiên sinh, bậc trí giả cũng tin vậy sao? Không đợi trả lời, chắp tay sau lưng, ông bước những bước ngắn quanh phòng rồi dừng lại trước mặt gã. Không nhìn gã, đầu hơi cúi vẻ suy tư. Trăm năm nay người ta đã tin vậy. Họ cho tôi là kẻ giết người, là tên đồ tể vặn họng người như vặn họng gà. Không, không, ông xua xua tay, ngoài cái việc bắt buộc phải làm là vặn họng mấy thằng Lang-sa, Trực này chưa từng vặn họng ai khác. Ông Nguyễn ngẩng nhìn: mong tiên sinh có dịp nói với người đời điều đó. Trực này chưa từng vặn họng ai. Nhưng tiên sinh cũng nhớ cho một điều: tôi nói chưa chớ không nói không vì giữa chưa và không khác nhau xa lắm. Nhưng thôi, ta trở lại câu chuyện chính. Giờ đây tôi cần câu trả lời của tiên sinh. Nói rõ hơn là cần tấm lòng trung thực của tiên sinh!

Ông Nguyễn đưa tay trái lên vuốt mặt. Có  lẽ đó là một thói quen. Gã chợt loé mắt vì luồng ánh sáng vàng chóe phát ra từ cổ tay ông.  Và gã sửng sốt nhận ra chiếc đồng hồ đắt tiền mà từ đầu tới giờ bị ống tay áo dài đen che lấp. Có lẽ thấy bộ dạng tức cười của gã, ông Nguyễn liếc nhìn chiếc đồng hồ rồi ngượng ngùng phẩy tay:
- Chuyện vặt, tiên sinh đừng chấp! Qua lại Hòn Chông, thứ nầy như vỏ sò, tôi nhận một trong những cái người ta đem cúng. Nó thiệt cần vì bây giờ không còn tin được lũ gà trống nữa, mà giờ giấc nơi âm giới quá sít sao!
Cúi đầu xuống để tránh cái màu vàng ám ảnh của chiếc đồng hồ, gã nói với vẻ lo lắng:
- Thưa ông Nguyễn, ông đặt tôi trước hai điều lựa chọn mà thực ra chẳng thể chọn lựa được gì: chém đầu hoặc treo cổ! Không nói thì phạm tội với thần thánh, nói thì mắc tội với thế quyền. Thưa ông Nguyễn, dầu sao thì tôi cũng là một con người, chỉ một lần da đến thịt. Tôi lại còn vợ, còn con. Xin ông Nguyễn tha cho!

Vừa ấp úng nói gã vừa lấm lét nhìn ông Nguyễn với vẻ hoảng sợ van lơn của con chó sắp bị đem cắt tiết. Tránh cái nhìn thảm hại của gã, ông Nguyễn ôn tồn:
- Tôi biết, tôi biết, thưa tiên sinh. Ðó là việc khó khăn và hệ trọng. Sự thật mất lòng. Trực tôi cũng biết, trong thâm tâm nhiều người không tin vào những gì họ chứng kiến. Bên cạnh những kẻ nông nổi, nhẹ dạ, cả tin sì sụp quỳ lạy trước ngôi mộ, không ít người bước qua nó với vẻ dửng dưng, trong bụng vừa xót xa vừa cười nhạo trò đời dối trá. Trực tôi cũng hay chuyện một số vị lão thành đã có cả văn thơ gởi cơ quan hữu trách phản đối việc này. Dư luận đã ồn lên một dạo nhưng rồi cũng chìm đi như bao nhiêu sự im lặng đáng sợ ở đời. Tôi hiểu, họ vấp phải thế lực quá mạnh. Mặt khác, những con người già cả ấy cũng như tôi, vốn ít học. Họ có tấm lòng, có dũng khí nhưng thiếu hiểu biết cùng sự khôn ngoan. Chẳng những thế, họ còn mắc tội thái quá. Thái quá thì bất cập. Rõ ràng, người ta đã đào mộ vào ban ngày, giữa lúc mặt trời chính ngọ. Và hài cốt trong đó là hài cốt người An Nam, nào phải của thằng Tây! Chính cái bất cập này làm hại họ. Và họ đã chịu thua trước những lời lẽ ngụy tạo và uy danh của đám học giả! Thưa tiên sinh, sự đời là thế đó. Người dám nói thì không đủ khôn ngoan. Kẻ khôn ngoan thì không dám nói! Cũng có thể nói, mấy ông già trong Hội Kháng chiến cũ thất bại chính là do sự im lặng của tiên sinh. Ôi, tôi hiểu, đó cũng là thường tình của người đời… Nhưng có điều, chắc tiên sinh cũng đồng ý với tôi là từ sự thất lợi của các ông già mà việc ngụy tạo được củng cố thêm. Giống như thứ vi trùng, liều thuốc không đủ mạnh sẽ làm chúng lờn thuốc, sống dai hơn. Thắng thế bước đầu, để giỡn mặt các vị, người ta còn định dùng đá quý Hà Tiên điểm trang ngôi mộ nữa, dùng cái đẹp, cái đắt tiền che lấp sự dối lừa. Phải chăng họ hy vọng vì thế mà giả sẽ thành chân?  Thưa tiên sinh, ngày nay đã thế, còn sau này? Cái giả trá có mặt thường trực sẽ dần dần hóa thật! Người ta vẫn ngày ngày nhang khói, năm năm tế lễ. Rồi sẽ tới ngày, nếu tiên sinh dám nói lên sự thật thì chẳng ai tin nữa. Người đời sẽ nói tiên sinh là khùng, là điên và người ta sẽ xua đuổi, sẽ ném đá vào tiên sinh để bảo vệ tín điều của họ! Vì vậy, thưa tiên sinh, sự việc càng nghĩ càng hệ trọng. Hôm nay hoặc sẽ không bao giờ! Tất cả tùy thuộc ở như tiên sinh...

Ông Nguyễn lại nhìn gã chăm chăm rồi gật gật đầu:
- Thôi được, nếu không muốn nói trước đám đông thì tiên sinh nói riêng với tôi vậy. Và tiên sinh cứ giữ lấy bí mật của mình. Trực tôi hứa tuyệt đối giữ kín cuộc nói chuyện bữa nay. Như vậy sẽ tránh cho tiên sinh khỏi bị vặn họng mà cũng không sợ chém đầu!
Biết mình đã bị dồn tới chân tường nhưng do tính lươn lẹo của thằng trí thức hèn, gã đánh bài sạo:
- Thưa ông Nguyễn, giọt màu sẻ đôi thành hai giọt máu nhưng bí mật chia đôi đã bật mí mất rồi! Hơn nữa, cuộc đời đã dạy tôi biết sợ. Vừa nói, gã vừa nhìn như bị hút vào cái vật vàng chóe trên tay ông Nguyễn, trong bụng nghi ngại, biết đâu, ông này trong khi qua lại Hòn Chông chả "chôm" được chiếc cassette mi-ni, quà vi thiềng của những đại gia buôn lậu cỡ Bỉnh Họt, bây giờ gài sẵn trong mình? Có đồng hồ, ông tha gì cassette?!

Thấy vẻ kỳ khôi của gã, ông Nguyễn cúi xuống, hỏi:
- Tiên sinh còn ngại điều gì nữa?
- Ông, ông Nguyễn có mang theo máy nghe lén không ạ? Miệng gã lắp bắp run rẩy.
- Máy nghe lén? Ông Nguyễn đứng thẳng dậy, ngây người ra một lúc rồi gật gật đầu: À, à, tôi hiểu, chắc tiên sinh nghi rằng, tôi đã nhận đồng hồ tất sẽ có cassete mà biết đâu còn có cả camêra nữa? Ông Nguyễn bật cười lớn, tiếng cười sảng khoái. Khà khà, đáng thương cho cái bụng thường tình của con người! Hẳn tiên sinh cho tôi là tay trùm buôn lậu hay một kẻ nhận hối lộ đáng nguyền rủa? Lại chuỗi cười dòn dã. Sau tiếng cười vang, ông Nguyễn lắng lại hồi lâu rồi nói như tự nói với mình: Ta hiểu, ta hiểu cái lòng, cái ruột con người. Hóa ra cả tới bậc văn nhơn cũng không thoát khỏi thói nghi kỵ tầm thường ấy? Thật đáng thương, thật đáng thương! Nhìn chiếc đồng hồ với vẻ diễu cợt, ông thở dài: Cái đồ quỷ này khiến ta phải lấn bấn! Đoạn ông nhìn gã:
-  Sự nghi ngờ của tiên sinh không phải không có cơ sở. Quả là khi bước lên Hòn Chông, đồn trại cũ của ta, bây giờ là thương cảng lớn, ta thấy từng kho từng đống đồ lạ ngoại bang. Trong những thứ đắt tiền ấy, ta còn biết có 24 thùng mang bí số A3 và A5. Nghe nói là quan thuế đã khui ra để kiểm tra liền có lệnh phải đóng kín lại và hủy luôn biên bản vì trong đó chứa “công cụ bảo vệ an ninh quốc gia” gồm giấy chùi đít, quần lót đàn bà, xà bông tắm ghẻ… Ta còn nhớ lúc đó ta thấy lo: cái trôn của con cháu ta bây giờ hư hỏng, phải bịt bằng xì-líp ngoại bang, phải xài giấy chùi nhập cảng. Ta cũng tội nghiệp cho con cháu vì ghẻ, vì lác quá xá mà phải xài đến xà bông tắm ghẻ tận Tây dương. Nói thiệt cùng tiên sinh, ta vốn không tò mò, mà ta cũng chẳng cần gì máy nghe lén. Nhưng thôi, để tiên sinh yên lòng, mời tiên sinh coi đây!

Bất đồ ông Nguyễn vén áo lên. Trong khảnh khắc, tấm thân gầy gò của ông với những vết sẹo chằng chịt phô ra. Thương ông quá và cũng sợ quá, gã vội quỳ sụp xuống dưới chân ông, dập đầu lạy rối rít. Nâng gã ngồi lên ghế, ông nói ôn tồn:
- Ðừng chấp chi chuyện vặt, tiên sinh. Chúng ta phải sòng phẳng. Bây giờ đã hiểu nhau, xin tiên sinh...
Thấy để ông Nguyễn đứng mãi e mắc tội, gã xin nhường chiếc ghế duy nhất trong phòng cho ông. Ông Nguyễn xua tay:
- Ta đứng quen rồi!
Tất cả các trò đánh trống lảng hòng chạy xịt của hắn bị bể mánh. Không còn cách nào khác, gã đành thú thật:
- Thưa ông Nguyễn, đúng là tôi có được nhìn thấy bộ xương mà người ta gọi là “hài cốt Nguyễn Trung Trực”. Chỉ mới thoạt nhìn, tôi hiểu ngay rằng đó chẳng phải xương ông Trực nào ráo trọi  cũng như chẳng phải xương tôi vậy. Tôi nâng hộp sọ trên tay và ngắm nghía ba cái răng hàm trên bên trái còn sót lại, những cái răng mà sau này người ta gọi là “ba cái răng cùn”. Ðúng là chúng cùn thật. Căn cứ vào độ mòn của mặt răng, tôi hiểu, chủ nhân của chúng đã hưởng lộc trời tới hơn phân nửa cái giới hạn ba vạn sáu ngàn ngày của cõi nhân sinh. Rồi căn cứ theo cấu tạo xương đỉnh, tôi biết chủ cái sọ lúc thiếu thời được hưởng cuộc sống sung túc. Vóc dáng cao lớn của bộ xương cho thấy chủ nhân của nó phải là quan lại hay chí ít cũng là phú ông quá chừng no đủ, điều mà ông chài Lịch không thể nào có được!
Vừa nói, gã vừa lo lắng quan sát nét mặt ông Nguyễn. Ông chăm chú nghe rồi gật gật đầu như vừa lòng:
- Cảm ơn, cảm ơn tiên sinh! Ta mừng là đã chọn đúng người. Rồi ông chuyển giọng trầm ngâm, xin tiên sinh bỏ quá, trong những điều tiên sinh vừa nói, cái can hệ là bộ răng. Ta về trời khi vừa ba chục tuổi, còn đây, như tiên sinh mô tả là bộ xương của một ông già! Vì vậy, ta hỏi tiên sinh: những người cả quyết đó là hài cốt Nguyễn Trung Trực, chứng lý của họ ra sao?
- Họ bảo: Một người đáng tin cậy chỉ cho họ một ngôi mộ, nói là mộ Nguyễn Trung Trực. Ðào lên, thấy xương thì đích thị đó là xương ông Nguyễn. Ðể chắc ăn, họ nói thêm là “lãnh đạo đã nhất trí rồi!"
- Ðơn giản vậy thôi sao?

Ông Nguyễn nói nhỏ như tự nói với mình. Họ không chịu nhớ rằng, có thời, viên chủ tỉnh Rạch Giá, họ Nguyễn, nhận là hậu duệ của ta, dám treo giải một triệu đồng cho ai kiếm ra hài cốt ta mà thiên hạ đành chịu chết thèm đó sao? Mà ngôi mộ có ở đâu xa, nó nằm đấy bao nhiêu năm, được quây bằng lòi tói sắt, trải bao nhiêu trào, khi kêu Toà bố, lúc gọi Ủy ban, có lúc ông chủ tỉnh xây chuồng heo trên đó... Ðoạn ông ngẩng lên hỏi:
- Ta còn nghe nói, họ có phép gì giảo nghiệm hài cốt linh lắm phải không?
Gã ngẩn người ra nghĩ lúc lâu mới hiểu:
- Dạ, thưa có, nghe nói là họ đưa tới tận Ðức quốc để xét nghiệm bằng C14, kết quả đúng boong xương ông Nguyễn, người ta bảo thế!
Ông Nguyễn nhếch mép mỉm cười, lắc đầu:
- Xin hỏi thực tiên sinh, chớ người ta bày đặt ra cái trò mồ mả với xương cốt này để làm gì? Cổ kim thiếu gì kẻ chết chẳng toàn thây? Cứ để ta yên như từ trước chẳng được sao?
- Thưa, theo thiển ý, có lẽ hiện nay võ nghiệp được tôn vinh. Khắp nơi xây đài, dựng tượng chứng tỏ lòng tri ân với tiên liệt. Còn gì hay ho hơn, công lao hơn và giật gân hơn là tới trào mình tìm được hài cốt vị anh hùng được dân mến mộ sau hơn trăm năm bị vùi lấp? Hậu thế đầy tội lỗi luôn mặc cảm về tội lỗi của mình. Ðáp đền tạ tội là xu hướng tự giải thoát của tâm linh. Nhưng thưa ông Nguyễn, lòng người vô tận, vô cùng. Biết đâu có thể một ai đó trong những giờ suy tư trằn trọc, đã tìm ra giải pháp mà họ cho là đắc sách nhất: lấy lòng dân chúng bằng cách ăn theo nắm xương tàn?! Nói cho ngay, đó cũng là một kiểu buôn lậu. Ngày xưa Lã Bất Vi buôn vua, ngày nay người ta buôn xương lính Huê Kỳ. Bộ xương anh hùng dân tộc đắt giá hơn sao lại không thể thành hàng hoá? Và để ngon hơn, để khuếch trương lãi suất, họ còn gắn bảng danh dự, ông này đặt viên đá đầu tiên, ông kia vẽ kiểu… để xí chút phần vào sự bất tử!
-  Ðại tội, đại tội! Ông Nguyễn kêu lên. Ðại tội là dối lừa cả con người lẫn thần thánh! Trực tôi còn nhớ, trong vở kịch của mình, tiên sinh từng lên án những kẻ buôn thần bán thánh, lợi dụng tôi để hành nghề mê tín dị đoan. Họ có tội thật, nhưng suy cho cùng, vì sinh nhai, vì chén cơm manh áo, họ phải bịp bợm, mà nhiều lắm cũng chỉ dối lừa hàng trăm người. Còn ở đây, những kẻ chẳng phải vì manh áo, chén cơm mà vì ham danh chuộng lợi đã bới lên nắm xương tàn chẳng phải của ta để lừa cả triệu người, lừa cả lịch sử và hậu thế, lại cả gan bỡn cợt cả thần linh. Những kẻ đó tội gì?

Nãy giờ gã lo sợ nghĩ rằng ông Nguyễn sẽ nổi giận quát tháo và cơn sấm sét sẽ trút xuống đầu kẻ bất hạnh là mình. Nhưng không ngờ giọng ông vẫn ôn tồn, sâu lắng, mang âm hưởng của nỗi đau thâm trầm.
- Ta muốn nói điều này nữa, tiên sinh chưa đề cập nhưng ta thì nhức nhối trong lòng. Ta đã đến Tân Hội, đã qua Tà Niên, An Biên, đã ra Phú Quốc. Ở đâu ta cũng thấy xóm ấp tiêu điều lê dân bần bách, đám cường hào mới nổi lên như ong tận hang cùng xóm vắng đè đầu cưỡi cổ dân đen. Trái ngược với cảnh lam lũ của lê dân là một lớp người sống phè phỡn, lợi dụng chức quyền tham ô, hối lộ buôn gian bán lậu. Hòn Chông nơi ta luyện quân dựng trại biến thành tụ điểm của lũ gian thương. Và ngay trước ngôi đình thờ ta đây, ngày ngày tàu ra tàu vô chở gì trong đó? Ác hại thay, để chạy tội, chúng bày đặt ra những công trình thế kỷ… Chúng còn cả gan nấp sau bia mộ của ta, nấp sau máu ta để che đậy bộ mặt sâu dân, mọt nước của chúng. Ôi, tiếc thay! Gã thót tim vì thấy mặt ông Nguyễn nghiêm lại một cách đáng sợ. Tiếc thay, đó không phải mộ ta. Nếu đúng là mộ ta, hẳn ta sẽ đội mồ đứng dậy vặn họng hết bọn chúng! Tiên sinh thử nói xem, những kẻ đó tội gì?!

Gã tưởng khi nói những lời đó, ông Nguyễn sẽ thét lên phẫn nộ, nhưng không, giọng nói ông chỉ rắn đanh lại như âm thanh của sắt thép bị kìm nén.
- Thưa ông Nguyễn, tội của họ, gã ấp úng, với thần linh, sẽ được luận theo luật âm phủ. Vạc dầu, hỏa ngục, chó ngao… là việc của Diêm vương. Còn nơi cõi người, chúng tôi cũng có Bộ luật hình sự. Nhưng xin thưa, luật nào cũng chẳng bằng lệ. Có lẽ cùng lắm họ cũng nhận được quyết định xử lý nội bộ! Nhưng thưa là tôi đã lạm bàn vì điều đó ngoài vòng hiểu biết của kẻ hèn này!
-  Ta hiểu, ta hiểu, tiên sinh yên lòng! Ông nhìn thẳng cặp mắt xếch với đôi mày rậm vào gã.  Cảm ơm, cảm ơn tiên sinh đã nói thực lòng. Những điều tiên sinh vừa nói chẳng phải ta không biết. Ta chỉ muốn thử tiên sinh và cũng qua việc thử thách này, ta muốn kiểm tra sự hiểu biết của tiên sinh. Ta hài lòng. Tiên sinh thấy đó, mục đích của ta chẳng phải là tìm kiếm sự thật mà là tìm người có khả năng nói ra sự thật. Tiên sinh có đủ can đảm để nói ra những gì đã biết không?

Thấy gã cụ cựa, ông Nguyễn giơ tay ra:
- Khoan, để ta nói hết. Tiên sinh đừng cho là ta lật lọng. Ðúng là lúc nãy ta có bảo tiên sinh nói riêng với ta. Ta vẫn giữ cam kết ấy, không ép buộc tiên sinh cũng không đem những điều tiên sinh vừa nói để đối chất! Ðó không phải việc của ta. Nhưng ta có quyền yêu cầu tiên sinh phải nói ra sự thật. Tiên sinh nghĩ gì trước nắm xương bị đánh tráo? Tiên sinh có thấy người dân trung hậu đáng thương bị xúc phạm tới cỡ nào không? Trong đời ta, ta chưa bao giờ chứng kiến sự dối lừa bẩn thỉu và tệ hại đến vậy! Nói ra sự thật này là nghĩa vụ và trách nhiệm của tiên sinh! Không phải bỗng dưng mà đất nước nghèo khó nầy hội nơi tiên sinh hai nguồn tri thức: vừa là bác vật học, vừa là văn nhơn. Không ép buộc nhưng ta nhân danh tổ tiên và sự thật nhắc tiên sinh về sứ mệnh của mình. Dân chài đánh cá, dân ruộng đi cày không ai nuôi tiên sinh bằng cá giả gạo giả! Vì vậy, sống trên đời, hưởng lộc tự trời đất, tiên sinh không được viết giả! Không thể nuôi sống con người bằng sự giả dối!

Ông Nguyễn vẫn  nói bằng giọng ôn tồn, nhưng gã cảm thấy nghẹt thở bởi sức nặng của những lời, sức xiết bóp của những tiếng chẳng khác nào tiếng xiết của sợi dây treo cổ.
- Khó, rất khó ! Sau khi bước một vòng quanh phòng, ông Nguyễn trở lại trước mặt gã. Quả là Trực tôi đã đẩy tiên sinh vào tình thế khó khăn. Chắc tiên sinh cũng tiên lượng, trước cả khi sấm sét, búa rìu của thế quyền ập xuống thì đao bén, dáo nhọn đã kề sẵn bên rồi. Cú đòn của những kẻ cùng hội cùng thuyền bao giờ cũng ác hiểm nhất! Nhưng dù sao đi nữa, nói ra sự thật là việc mà tiên sinh phải làm!

Máu hèn ham sống sợ chết lại tràn lên cổ khiến gã bổ nhào xuống chân ông Nguyễn, dập đầu trước mũi hia cong cong, miệng lắp bắp:
- Trăm lạy ông Nguyễn, ngàn lạy ông Nguyễn, cắn cỏ xin ông tha cho. Con còn vợ còn bốn đứa con. Con làm sao dám nói sự thật? Kinh cung chi điểu, con hãi lắm rồi! Trước đây con chỉ vừa mon men đến bên rìasự thật nghiệt ngã thì cái nghiệt ngã thật sự đã chụp xuống đầu con! Trăm ngàn lạy ông, ông tha cho thì được vì ngoài ông ra chẳng ai biết!

Gã lải nhải không biết bao lâu. Ông Nguyễn vẫn đứng yên không nói, chân ông run run. Ðánh liều ngước mắt nhìn lên, gã choáng váng thấy đôi mắt ông nhòa nước. Một giọt từ mắt ông nhỏ xuống trán gã nóng bỏng. Nhìn gã bằng con mắt thất vọng, ông nói, giọng xót xa:
- Thôi được, ta miễn thứ. Nhưng tiên sinh nhớ rằng cái sự thật đang ấp ủ trong lòng dân kia không mất. Như mưa rừng, nó thấm vào đất rồi tới ngày thành suối thành sông. Sự dối trá không thể lâu bền trong cuộc đời cũng như ung nhọt không thể ở mãi trong cơ thể! Một trăm năm mươi, hai trăm hoặc một nghìn năm sau, sự thật âm ỉ trong lòng dân sẽ cháy lên thành lửa! Ta chỉ tiếc cho tiên sinh đã bỏ lỡ dịp ngàn năm có một để làm cái sứ mạng trọng đại nhứt của văn nhơn là nói lên sự thật!
Nhìn gã lần nữa rồi ông Nguyễn ngẩng nhìn trời, lắc đầu thất vọng:
- Ðiều gì đã làm cho một bậc văn nhơn phải hèn tới mức này hở trời? Uổng quá, máu ta!
Rồi để mặc gã gục đầu thảm hại trên nền gạch, quay người, ông bước những bước chậm ra khỏi phòng.

Thức giấc vì con mơ hãi hùng. Mồ hôi lạnh toát toàn thân. Gã trằn trọc không sao ngủ lại được. Mãi rồi gã thiếp đi trong giấc ngủ nặng nề. Mơ màng thấy có người kéo tay: "Dậy, dậy bố ơi !” Thì ra đứa con gái út của gã. Gã lồm cồm bò dậy, tay dụi mắt cay xè.
- Kìa bố, trán bố có máu kìa !

Nghe con nói, gã dí cái bản mặt xanh xao hốc hác của gã vào gương thì giật mình thấy đúng giữa trán một vết tròn đỏ như máu. Gã sợ hãi nhớ lại giấc mơ đêm qua. Một cảm giác buôn buốt, buốt tới tận gan./.

Rạch Giá, 1990

Sự nghiệt ngã của nghề nghiệp


L.T.S ( Báo Văn nghệ ) : Tạp chí Người làm báo - cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam số 2-1988 có nêu việc số báo Kiên Giang trước dây bị đình chỉ phát hành. Tạp chí đăng lại nguyên văn hai bài báo mà báo Kiên Giang bị phê phán để dư luận tiếp tục trao đổi. Gần đây, đồng chí Hồng Chương, Chủ tịch Hội Nhà báo có chuyển cho báo chúng tôi bài viết của đồng chí Hà Văn Thùy liên quan đến vụ việc trên và đề nghị chúng tôi đăng trên báo Văn nghệ. Chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc. (Báo Văn nghệ số 35-36 ngày 20-8-1988)

MÙA XUÂN KHÔNG CÓ TẾT.

Người ta thường vấp ngã ở những nơi ít ngờ nhất. Hai tờ báo bị thu hồi một lúc là cú đòn choáng váng dáng xuống đầu anh em báo chí, văn nghệ Kiên Giang. Ðại hội VI mới họp đó. Không khí đổi mới đang như tiếng sấm tháng Ba vang động tới từng xóm ngõ. Ai học được chữ ngờ.
  
Thấy không thể để tờ báo ngủ gà ngủ gật mãi, chúng tôi bàn nhau: Phải làm cái gì đó cho tờ báo sống lại và bản thân mình cũng xứng đáng hơn với bát cơm manh áo của dân! Công sức và tấm lòng không uổng. Lâu lắm rồi chúng tôi mới có được tờ báo ưng ý như vậy. Báo đẹp, dầy dặn, bài vở phong phú và đầy sức sống. Mặt báo hội gần đủ những người viết chủ lực của phong trào: Lão tướng trẻ trung Năm Thạnh rồi Anh Ðộng, Khoa Ðăng, anh bạn giáo viên Nguyễn Thiện Cân tận ngoài Phú Quốc, nhà đại kinh doanh Hà Văn Nam cống hiến truyện vui, cười ra nước mắt...
   
Báo ra được một ngày, sáng 27 Tết điện thoại từ Văn phòng Tỉnh ủy gọi tới, kêu Chín Sỹ chủ tịch Hội lên. Lúc này có tin báo Kiên Giang bị thu hồi. Chúng tôi đưa Chín Sỹ đi mà lòng dạ bồn chồn, nét mặt anh cũng không dấu nổi vẻ lo lắng. Cuối giờ làm việc anh về. Nhìn anh, chúng tôi biết là có chuyện. "Mấy anh không chịu một số điểm, Chín Sỹ nói. Nhưng anh Năm Trì đồng ý cho bôi đi rồi phát hành". Khỏi cần biết trúng trật, bọn tôi ngoan ngoãn lao vào bôi xóa những dòng báo từ Tỉnh ủy đưa về, có gạch chân. Phải nói thật là trong bụng cũng mừng thầm vì tờ báo không đến nỗi nào. Bọn tôi còn may mắn hơn cha con Tư Châu. Có thể khẳng định thế này: có sai sót về cách trình bày, những sơ hở về câu chữ nhưng cả hai tờ báo hoàn toàn không có sai sót về chính trị! Yên tâm về nội dung báo, nhưng tôi lo lắng ở mặt khác: tình hình xấu có thể xảy ra, trước hết là uy tín của cấp ủy bị đe dọa và sau đó, hoạt động báo chí sẽ rất khó khăn! Ðiều mấu chốt phải biết là cái cơ chế nào đã tạo ra tình trạng trông gà hóa quốc này? Và phải tác động vào nó thế nào để gỡ rối? Sáng hôm sau lại có điện thoại triệu Chín Sỹ vô nhà đỏ.

Trở về cơ quan, mặt anh xạm lại. Anh im lặng nặng nề. Lúc lâu anh bước vào văn phòng, nơi anh em đang bày đồ nghề dập xóa báo: "Thôi, dẹp bỏ luôn!" Rồi anh quay sang nói với chúng tôi: "Ý anh Năm Trì vậy nhưng anh Ba Hương không chịu. Ảnh nói tội báo mình còn nặng hơn cả báo Tư Châu. Nhưng không lẽ thu hồi cả hai tờ một lúc. Phải bỏ tờ này, làm gấp tờ khác thế vô."
   
Có cách nào cứu vãn được tình hình? Tôi lo lắng thực sự. Không phải lo cho mình. Tuy có dính ở cả hai tờ báo những tôi tin chắc bài của tôi hoàn toàn vô tội. Về mặt văn bản học, tôi có thể tự bảo vệ được trong bất cứ tình huống nào. Tôi cũng đọc rất kỹ những bài bị coi là có vấn đề. Tôi nhớ lại kinh nghiệm báo Xuân 1982. Tờ báo có sai sót tuy không lớn nhưng nếu bị lợi dụng suy diễn sẽ vô cùng nguy hiểm. Chúng tôi báo với anh Hai Huỳnh, tỉnh ủy viên, Trưởng ban Khoa giáo và Chủ tịch Hội Văn nghệ. Anh Hai gặp đồng chí Tám Quýt Bí thư Tỉnh ủy và cùng thống nhất: để tờ báo phát hành không bàn tán gì thêm cho rối chuyện, sau đó sẽ kiểm điểm nội bộ. Chính quyết định tỉnh tảo này đã cứu nguy một bàn thua trông thấy.

Tôi tìm tới anh Hai. Tuy khóa này rút khỏi Tỉnh ủy và cũng không còn phụ trách Hội Văn nghệ nhưng anh vẫn lo lắng cho chúng tôi. Anh đã đọc kỹ hai tờ báo rồi bàn với đồng chí Tám Quýt ( đồng chí Tám Quýt khóa này là thường vụ phụ trách dân vận ) và hai người cùng vào gặp thường trực Tỉnh ủy để bày tỏ ý kiến. Nhưng khi gặp thì đồng chí phó bí thư Năm Trì đưa cho coi quyết định thu hồi báo do đồng chí ký. "Còn nói gì được nữa, chú, anh bảo. Tôi ra hiệu cho anh Tám. Chúng tôi ăn tết qua loa vài miếng rồi về." Ðoạn anh trách tôi: "Mấy chú dốt quá, viết mà không biết lách !"

Những ngày tết nặng nề qua đi. Anh em chúng tôi có người mất ăn mất ngủ. Không có báo Xuân đọc, dân chúng càng xôn xao. Có người mua trước được báo đem bán lại giá cao gấp chục lần. Biết rằng ngoài Tết có cuộc họp giải quyết tờ báo, chúng tôi chờ đợi trong tâm trạng lo âu thấp thỏm.

Ngày 5 Tết, cuộc họp để xét xử hai tờ báo được triệu tập. Không thể xài chữ nào đúng hơn chữ xét xử. Một số người ngỡ ngàng với tâm trạng giờn giợn. Nói là để kiểm điểm nội bộ báo chí mà không có mặt anh em viết. Trong khi đó xuất hiện Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ban kiểm tra đảng, Ðảng ủy các cơ quan cấp tỉnh và công an bảo vệ nội bộ. Anh Tư Châu Tổng biên tập báo Kiên Giang trơ trọi giữa cuộc họp, bị chất vấn bị quy kết mà không có quyền bào chữa, không được tranh luận. Những điều anh trình bày đều bị coi là ngoan cố, là không thành khẩn, thậm chí chống đối. Khoảng 9 giờ, một chàng trai trẻ bước vào phòng họp. Ðặt cặp lên bàn, anh ta nói: "Tôi được giao trách nhiệm truyền đạt ý kiến đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tới cuộc họp của các đồng chí." Nói rồi anh ta đưa tờ giấy lên đọc. Tất nhiên không thể nhớ hết nguyên văn nhưng sau này Tư Châu kể với bọn tôi:

Trước hết, bài Xuân trên cảng Hòn Chông. Nói "đến bây giờ và chỉ bây giờ Ðảng ta mới biết lấy dân làm gốc" là xuyên tạc lịch sử lãnh đạo của Ðảng. Còn nói: "dựa trên cảm hứng để xây cảng Hòn Chông" là xuyên tạc sự lãnh đạo của cấp ủy. Chúng ta làm công trình kinh tế có giá trị lớn của tỉnh mà lại là việc làm dựa trên cảm hứng sao?

Bài Phía sau người lính khuyến khích độc canh, trái với chủ trương phát triển nông nghiệp toàn diện của Tỉnh ủy. Nói năng suất lúa cao thế trên bắt nộp thêm thì sao ?
  
Bài Gặp gỡ cuối năm nói Nghị quyết 306 của Bộ Chính trị là vật cản. Lại nói nhà máy đay, tới Công ty thủy sản. Như vậy là xúc phạm Bộ Chính trị và đả kích sự lãnh đạo của cấp ủy. Bài Mùa xuân đổi mới nói móc Tỉnh ủy xây dựng công trình thế kỷ, báo cáo màu hường, quan liêu.
  
Truyền đạt xong những lời có gang có thép ấy, anh ta cắp cặp chào mọi người ra đi.

Trước khi có cuộc họp này, Chín Sỹ và Anh Ðộng có hội ý kỹ với chúng tôi những điều cần nói. Nhưng rồi nhìn cử tọa hội nghị, sao nó giống với cuộc họp để bắt người ? Tới khi nghe bản luận tội do người thư ký của bí thư đọc, hai trụ cột Hội Văn nghệ ngoéo nhau im lặng. Nhà văn Anh Ðộng đứng lên nói mấy câu vuốt ve cho phải đạo!
   
Một mùa xuân chúng tôi không có tết !

THẤT NHÂN TÂM ÐIỆP KHÚC

Ngay sau cuộc họp mồng 5, Tư Châu bị đình chỉ công tác. Cũng lúc này đơn tố cáo Tư Châu gây mất đoàn kết nội bộ, bê bối về tài chánh được thu thập chữ ký gởi lên Tỉnh ủy. Một đoàn kiểm tra tài chánh báo Kiên Giang được thành lập cùng với quyết định ngưng công tác Ba Yến trưởng phòng trị sự. Công an về tận Thái Bình sờ lý lịch Khoa Ðăng. Bản điệp khúc thất nhân tâm được dạo lại!

Không thể quên năm 1983.

Sau khi đài Kiên Giang phát hai bài điều tra về phong trào thi đua dỏm của Trường PTCS 3 Vĩnh Thanh Vân và Trường Mẫu giáo thực hành thị xã Rạch Giá, phó giám đốc Tổng biên tập đài, anh Ba Sáng bị đình chỉ công tác, bị gọi lên Ban Tổ chức tỉnh ủy. Không được ra ngoài, không ai được vào thăm, quần áo lót phải nhờ người tới nhà lấy giúp. Ban đêm có người mang súng gác cho ngủ. Từ cơ quan kiểm tra Ðảng, một cái tin như sét đánh loan ra: Ba Sáng làm tình báo cho Nhật, khi vô đảng không báo cáo cho tổ chức! Lập tức căn nhà 12 Nguyễn Ðình Chiểu của anh bị cô lập hoàn toàn. Người ta tránh xa anh như tránh ôn hoàng dịch lệ. Tiếp đó là quyết định khai trừ Ðảng với những tội:
  - Chống đường lối của đảng bộ địa phương một cách có hệ thống.
  - Dùng đài đả kích sự lãnh đạo của đảng bộ địa phương.
  - Gây khó khăn cho phong trào xây dựng của địa phương.
  - Nói không đúng sự thật.
Còn một tội rất nghiêm trọng không được ghi vào quyết định là "nghe theo luận điệu chiến tranh tâm lý nói xấu Bí thơ Tỉnh ủy". Nguyên do như sau: Vốn là con nhà nòi tuyên huấn, đồng chí phó bí thư tỉnh ủy Võ Quang Trinh giao cho anh Ba Sáng nhiệm vụ: Tập hợp dư luận xã hội hàng tháng báo cho Tỉnh ủy. Trong một bản báo cáo loại đó, Ba Sáng thực thà ghi: " Có dư luận nói đồng chí bí thư Lâm Văn Thê trên đường về Kiên Giang có ghé Hậu Giang uống rượu Tây, mấy ngàn đồng một chai." Chính việc này khiến Bí thư nổi xung và Ba Sáng chịu trận.
  
Với một cán bộ gần 30 tuổi Ðảng, lâu năm trong ngành truyền thông đại chúng, quen biết nhiều cơ quan và nhân vật có cỡ, thanh tra Trung ương xuống nhiều lần làm việc căng thẳng và xác định rõ sự vô tội của anh, cũng phải tới tháng 10 năm 1987, sau khi Bí thư Ba Hương rời khỏi tỉnh, Ba Sáng mới được phục hồi đảng tịch.
  
Thân phận của Dương Tôn Hưng, người viết những bài báo trên thì cay đắng hơn. Học xong tú tài, như nhiều thanh niên khác, Hưng không thể thoát khỏi quân dịch, phải lo lót để được làm lính kiểng. Tới năm 1974, theo lời kêu gọi của Mặt trận, Hưng vào vùng giải phóng, làm việc ở ngành Quân y. Sau giải phóng, cách mạng cho đi học. Học xong Hưng về công tác bên đài. Thời gian làm lính Hưng không ghi vào lý lịch. Sau sự cố mấy bài báo, anh bị đình chỉ công tác. Ít lâu sau bị bắt vì tội khai man lý lịch, trước đây là sĩ quan ác ôn, từng là cai ngục. Hơn năm trời nuôi muỗi ở Cầu Ván, Hưng có dịp ngẫm sự đời.

Và bây giờ, chuyện cũ diễn lại. Dường  như buộc tội Tư Châu về tờ báo có gì đó chưa thật sự yên tâm, những biện pháp tổ chức được khẩn cấp thi hành. Ban kiểm tra tài chính hoạt động căng thẳng hơn 2 tháng. Trong lúc đó nhiều người làm báo bạn bè hỏi thăm về vụ báo bị thu hồi, về Lê Hồng Châu bị cách chức, những người có quyền có chức giải thích: Chuyện tờ báo có đó nhưng là chuyện nhỏ. Tư Châu bị kỷ luật về tài chánh ! Nghe thế, mọi người tránh xa Tư Châu. Anh bị tụt hố. Bạn bè muốn kéo anh lên nhưng người ta bôi cho anh khuôn mặt nhọ. Có khác gì tội làm tình báo cho địch của anh Ba Sáng hồi trước ? Mãi hơn năm sau, trong cuộc họp bàn lại về việc thu hồi báo, tội trạng của Tư Châu mới được công bố: " Có trách nhiệm để tờ báo bị thu hồi và để nội bộ mất đoàn kết." Như vậy Tư Châu không có chuyện gì về tài chánh !

Còn với Ngô Văn Tước, người ta cũng có cách. Biết chẳng thể xoay xở được gì ở lý lịch anh chàng cựu chiến binh xuất thân từ gia đình cách mạng đất Quảng Trị nên biện pháp khác được áp dụng. Tước bị cơ quan, bị đoàn thanh niên kiểm điểm kỷ luật vì vạ báo. Tước cũng bị tuyên huấn gọi lên kết những tội tầy đình: chống lại chủ trương của Ðảng ! Nếu là người khác, giàu kinh nghiệm hơn, Tước chỉ việc khoanh tay, cúi đầu: "Thưa cạc chủ, tui còn dại dột, suy nghị chưa chỉn chẳn nên cỏ sai sót. Ðược các chủ dạy bảo, tui tỉnh ngộ, cảm ơn các chủ, xin các chủ tha thứ "! Chỉ cần vậy, và tốt hơn nữa, vơ ở đâu đó nắm bùn, ném vào mặt Tư Châu. Chắc chắn Tước sẽ được ân xá trở thành người phục thiện, biết tiếp thụ phê bình. Nhưng trái lại, Tước cứ bướng bỉnh giữ ý khăng khăng: "Có thể tui việt chưa đát, chưa chuẩn xạc, nhưng dựt khoạt tui không sai. Tui cũng không chống đãng." " không sai à ? Ngoan cố. Ðồng chí bí thư nói sai, mọi người nói sai mà anh không chịu nhận ! Vậy hóa ra cả đảng bộ này sai à ? " Rồi từ bài báo, tội trạng của Tước cũng chuyển hướng: “ Sai lầm về bài báo là rõ ràng nhưng chúng tôi không đánh giá chuyện đó nặng lắm. Ai mà chả có sai lầm. Cái quan trọng là cậu ta ngoan cố, không chịu nhận sai lầm, lại còn tỏ ra kiêu căng, coi thường lãnh đạo, coi thường tập thể. Nhân sự như thế không thể để làm báo được ! " Con ruồi đã thành con voi. Lúc đầu đồng chí Bí thư tỉnh ủy định bắt. Sau đó giảm xuống mức thải hồi cho về quê sản xuất. Biện pháp cuối cùng là không cho viết báo, không được công tác trong khối tư tưởng. Bắt đầu hơn một năm trời thất nghiệp chạy ăn chạy việc của nhà báo… hại này!

VỀ NHỮNG VỊ THÀY DÙI VÀ NHỮNG NGÀI SỌC DƯA

Nghe nói người có công phát hiện ra "sai lầm" của báo Kiên Giang là chàng thơ ký rất trẻ của bí thơ tỉnh ủy. Tôi cứ băn khoăn tự hỏi : Không biết động cơ nào đã dẫn chàng trai có vẻ dễ thương này làm chuyện đó ? Vì nhiệt tâm hoàn thành công vụ ? Hay vì cần chứng tỏ ta đây giỏi giang, vững vàng, nhạy bén? Nếu chẳng có sự kiện này thì tiền đồ của anh ta cũng rạng rỡ chán. Dù sao mặc lòng, việc làm của anh ta cũng ghi một điểm đen cho thành tích của tất cả những gì bảo thủ trì trệ, những gì đang cản trở công việc đổi mới. Ðây cũng là sản phẩm của cơ chế tổ chức lỗi thời : Chúng ta bồi dưỡng lực lượng trẻ, nhưng hại thay, lại được những thứ trẻ - tầm gửi, trẻ không xương sống mang mầm thối rữa từ trong lòng. Và càng chứng tỏ hơn sự khiếm khuyết trong hệ thống giáo dục của chúng ta. Nhà trường phổ thông đáng lẽ phải dạy anh ta nhiều hơn về kiến thức văn học, nhất là bộ môn Tiếng Việt để ít ra anh ta có thể đọc chạy được tiếng mẹ đẻ, để anh ta hiểu được ngữ pháp tối thiểu của tiếng ta, để anh ta hiểu được rằng từ “bây giờ “ Ngô Văn Tước dùng là để chỉ một giai đoạn dài bởi vì trước đó đã có trạng ngữ chỉ thời gian “lùi lại quá khứ, trong thời thuộc Pháp”.Vì thế, bây giờ không chỉ là hôm nay. Nhà trường cũng cần giảng giải cho anh ta hiểu thế nào là cảm hứng. Cảm hứng ( tiếng Pháp inspiration ) là một từ tốt đẹp mới du nhập nước ta đầu thế kỷ. Cái chữ Tây này vào ta theo con đường Tàu nên các cụ ta xưa gọi là yên-sĩ-phi-lý-thuần. Ðó là trạng thái hứng khởi cao cả thiêng liêng khi nàng thơ chắp cánh cho ta bay bổng trên bầu trời sáng tạo. Lẽ nào người cộng sản không có cảm hứng? Cảm hứng đâu phải là xấu, đâu phải tùy hứng? Có lẽ mọi sự bắt đầu bằng chữ nghĩa bị hiểu sai oan uổng vậy!
   
Chàng trai trẻ có công tìm ra châu Mỹ đã mở đường cho lũ lĩ những vị đánh hôi. Trong những người đánh hôi, tôi buồn rầu phải nhắc tới người bạn tôi. Mười lăm năm trước, tôi từng sửa những câu ca dao của anh để in. Tiếp đó anh viết mấy bài bình luận văn học với kiến thức của một thầy giáo làng. Thủ trưởng cũ của tôi, một người sợ tuyên huấn như sợ cọp, đã tìm mọi cách đẽo đi gọt lại để dùng, bởi vì anh ở ban tuyên huấn. Những tác phẩm được nhuận sắc ấy đảm bảo cho báo chí bọn tôi được nhiều tính đảng hơn và cũng đem lại cho anh những thuận lợi. Vào Nam, đường công danh của anh được rộng mở. Sự đời trớ trêu đặt anh vào vị trí người xét thơ duyệt văn bọn tôi. Ðược cái, anh còn coi tôi là bạn nên những lần có gì vương vướng, anh thường hỏi ý kiến. Lần này không thế ! Trong khi chúng tôi gặp đại họa, anh chẳng ra tay cứu, lại lửa đổ thêm dầu. Anh có công phát hiện ra sai lầm mới của tờ Văn nghệ Kiên Giang số Xuân vốn đã tội cùng mình ! Truyện ngắn Những lớp sóng nào có lỗi gì ? Nó chỉ kể chuyện một ông trưởng phòng giáo dục huyện không làm được việc phải chuyển sang làm phó ban tuyên huấn. Thật không ngờ, anh la lên: " Như vậy là tác giả coi thường sự lãnh đạo của Ðảng, coi phó ban tuyên huấn thấp hơn trưởng phòng giáo dục !" Ngọn lửa to rồi, thêm bình dầu của anh nữa, tờ báo cháy luôn! Anh nghĩ gì ? phải chăng nếu không thế thì anh không bộc lộ được mình? Trong bữa thịt báo chí này, nhất thiết tay anh phải nhúng mực sao? Phải chăng chỉ có thế anh mới được coi là nhạy bén, mới vững vàng mới kiên quyết, mới trung thành ?!

Vào Kiên Giang tôi nghe hai tiếng sọc dưa, thấy lạ. Vì dấu dốt không chịu hỏi ai nên cứ dốt hoài. Mới đây được thủng nghĩa. Và khi hiểu ra được thì khoái… tận cung mây ! Tôi đoan chắc rằng cái từ Nam Bộ này phải được cắt rốn ở Rạch Giá vì Rạch Giá đẻ ra cái trò đá cá lia thia. Khi con cá vào cuộc mà da nó sậm lại là con cá có gan, đá chí tử. Sẫm hay đen ở đây được gọi là mung. Mung lắm là từ chỉ cá sau đó chuyển sang chỉ người. Còn những chú lia thia khi lâm trận bỗng trên mình nổi những sọc màu như sọc dưa là khi võ sĩ ta sắp bỏ của. Từ sọc dưa được dân Rạch Giá dùng cho kẻ chạy xịt.

Trong cuộc thịt báo chí này, có một nhà văn tự biến mình thành thợ đan thúng và sọc dưa như thế. Khi sự cố báo chí nổ ra, trong cơn đánh phá tùm lum ban đầu, anh cũng dính. Anh nổi giận, anh bất bình, anh chứng minh với tất cả lòng hăng hái rằng báo chí không sai. Chúng tôi hy vọng ở anh. Trước cuộc họp ngày 5 tết năm 87 chúng tôi trông vào anh như trông vào Triệu Tử Long cứu nguy. Nhưng khi không khí hội nghị quá căng thẳng, và nhất là thấy bài luận tội của Bí thư Tỉnh ủy không đả động tới mình, anh thở phào nhẹ nhõm. Cuối cùng, anh đứng dậy: "Thưa mấy chú mấy anh, tụi tôi là em cháu mấy anh mấy chú, chúng tôi còn non dại, trót có lỡ lầm, xin mấy chú mấy anh dạy dỗ thêm." Anh cảm động cúi đầu nhìn xuống, thổn thức như sắp khóc! Sau này anh nói với bọn tôi: "Tôi làm vậy là vì mấy anh đó. Manh động là chết ! Chọi con chuột đừng để bể chén kiểu !" Nghe cũng dễ xiêu lòng đấy chứ, mình được là chén kiểu cơ mà !
   
Một năm sau, trong cuộc họp bàn lại về vụ thu hồi báo. Lúc này những việc cần làm ngay của NVL có rồi. Chỉ thị 15 có rồi. Nghị quyết 05 có rồi. "Phen này ngon rồi, tôi sẽ hết sức bảo vệ anh em !" Nhà văn bạn tôi nói. Tôi lại một lần nữa hy vọng Triệu Tử Long tái thế. Nhưng khi Bí thư Tỉnh ủy Lâm Kiên Trì chủ trì cuộc họp nổi thầu lậu - danh từ anh em thường gọi khi ông đỏ mặt tía tai vì tức giận - phán lời đanh thép cuối cùng: " Việc thu hồi báo là hoàn toàn đúng đắn, thể hiện sự nhạy bén, sự vững vàng, sự kiên quyết của cấp ủy. Không thể để tờ bào có nội dung xấu xa như vậy đi ra nước ngoài hay lưu lại trong lịch sử. Tỉnh ủy nghiêm cấm việc bàn tán thêm về tờ báo này. Tuyên huấn có nhiệm vụ ghi tên rồi báo cáo ." Hội trường lặng đi rồi tiếng ai đó cất lên: " Chúng ta là những người đan thúng. Thúng có lớp được có lớp hư. Cái thúng này hư nên theo tôi cũng đồng ý với đồng chí Bí thơ là phải bỏ !" Nhà văn bạn tôi thổn thức.

Tôi lặng người, cúi xuống không dám nhìn ai. Dù không nhìn anh, tôi cũng dư biết, khắp mình anh những tia máu đỏ máu đen đang nổi lên vằn vện. Nếu lúc này có phép gì lột trần anh thả vào bể cá, chắc hẳn những lằn sọc dưa sẽ hiện hình!

 NGHỀ NGHIỆP NGHIỆT NGÃ

Ðầu năm 1986, trong cơn sốt đấu tố Cù Lao Tràm, chúng tôi ngồi uống trà và tán chuyện. Anh Tư Bưởi, một nông dân huyện Hòn Ðất tất tưởi dắt chiếc xe đạp cà khổ bước vào. Uống chưa xong ly nước bạn tôi trao, anh nói:
  - Mấy chú có theo dõi Cù Lao Tràm không ? Tui thấy Nguyễn Mạnh Tuấn viết đúng quá đi chớ ! Mà viết thế đã ăn nhằm gì! Chú nào chịu chơi về tôi đi, tôi chỉ cho người thực việc thực mà viết. Còn dữ hơn Cù Lao Tràm gấp bội. Mấy chú có biết thế nào là lúa hè thu AK kè, lúa thần nông đình không ?
  
Tôi về thăm anh mới vỡ lẽ ra là trên bắt nhổ lúa mùa làm hè thu. Lúa thất, nông dân bị du kích mang súng kè lên đình giam. Ðình chật, bị ví mê bồ phơi nắng. Trâu bò, heo gà, máy móc bị tịch thu. Tôi cũng được đọc lá thư đau lòng của một nông dân uất quá không chịu nổi, phải trốn ra nước ngoài.
- Chú có dám viết không? Người lính năm xưa của Tiểu đoàn 307 kiêu hùng nhìn tôi vẻ thách thức. Thấy tôi im lặng hồi lâu, anh nói : Ðúng, chú chưa viết được đâu! Nói rồi anh ngồi lặng đi mắt ngó trân về hướng khác.
  
Một buổi trưa giữa năm 1987, anh đến nhà dựng tôi dậy:
- Bây giờ chú đã dám viết chưa? Những việc cần làm ngay của NVL có rồi. Ðảng cho viết rồi đó, chú có dám viết không? Ngưng một lúc trong khi mắt vẫn nhìn tôi không chớp, anh tiếp: "Chú không viết bây giờ là có tội!"
  
Tôi về nhà anh. Anh phân công một lão nông đưa tôi tới địa điểm thứ hai. Tôi chưa bước ra khỏi cửa thì vợ anh giữ lại chiếc mũ trên đầu tôi: "Chú để cái này lại đây. Ðội nón cối họ để ý đấy!" Chị nói nhỏ. Tôi bước rướn mấy bước để đuổi kịp ông già dẫn đường. Ông vừa đi chậm rãi vừa vấn thuốc hút. Tôi tới bên ông, vừa mở miệng nói thì ông cắt luôn: " Ông đi trước đi và đừng có nói chuyện với tui !" Hiểu ý, tôi bước vội lên trước. Chúng tôi thành hai người không quen biết. Tới ngôi nhà lá kín đáo, một bà má bước ra: " Chú là nhà báo sao ? Tụi tui trông chú hơn trông má tui về chợ. Bây giờ chúng nó làng bênh làng, xã bênh xã, huyện bênh huyện mà chúng tôi thì thấp cổ bé họng. Chỉ có mấy chú mới cứu nổi chúng tôi !" Nhìn dáng gầy còm của má, nghe những lời tin yêu mà đặt vào mình, tôi muốn ứa nước mắt. Tôi hỏi han, ghi chép rồi viết. Bài viết bị tuyên huấn duyệt lên duyệt xuống bầm dập rồi mất hút. Tôi biết nói thế nào với má ? Chả lẽ tôi trở về nói với má rằng con muốn cứu má nhưng miệng con bị bịt chặt rồi sao ?
   
Chúng tôi muốn gì ? Thật nhỏ nhoi : Ngày nào đó các anh kêu chúng tôi đến, nói: " Làm việc có trúng có trật. Trước đây lãnh đạo lỡ có quá tay, anh em thông cảm, bỏ qua chuyện cũ." Chỉ cần thế thôi, chúng tôi sẽ quên tất cả và ủng hộ các anh hết lòng hết sức mình. Nhưng ! Ðáng buồn thay vì chữ nhưng đó. Trong khi khăng khăng cho mình đúng, các anh còn trông cậy vào quyền lực nào đó bịt miệng báo chí trung ương. Linh hồn của đổi mới là dân chủ. Mũi nhọn dẫn đường cho dân chủ là công khai. Ðiều gì sẽ đến khi công luận bị nghẹn lời ?

Trong khi viết những dòng này, tôi vẫn như còn nhìn thấy nhỡn tiền một Tư Châu như người chết rồi sau cú đòn báo chí. Anh dường như không nói, thỉnh thoảng chỉ mỉm cười cay đắng. Một Ngô Văn Tước lang thang trên những nẻo đường Rạch Giá. Chiếc xe đạp duy nhất không còn, tay ẵm con, tay xách giỏ rau kéo lê đôi dép mòn vẹt gót, đi xin việc năm lần bảy lượt đều bị bật ra bởi có lệnh không thành văn từ Trời ban xuống : Không cho viết báo! Tôi như nhìn thấy cái đầu bạc của anh Ba Sáng bạc thêm trong những ngày bị truy bức bị vu khống. Tôi cũng như thấy Dương Tôn Hưng trên nền xi măng lạnh của trại giam. Người ta đã giữ lại những bài chưa in của tôi để tính! Có thể chúng tôi sẽ gặp chuyện này chuyện khác. Nhưng làm sao có thể không nói lên sự thật ? Và dù có thế nào đi nữa, thì nổi khổ của chúng tôi đâu có bằng nổi khổ chồng chất mà bà con đang phải chịu đựng? Có thể từ chối nhiều điều nhưng không thể nào không viết và càng không thể nào bẻ cong ngòi bút. Ôi, cái nghề nghiệt ngã !
                
Rạch Giá 7.1988
Hà văn Thùy

Xứ ra ghe


Chàng nhìn vào màn đêm mông lung ánh trăng mờ. Trăng bị rừng che khuất nhưng vẫn thả xuống đáy cái hố nơi chàng đứng một màn sáng huyền ảo. Xa xa, nơi nào đó con mang đơn độc ném vào đêm từng tiếng tác buồn thao thiết. Rồi tiếng cọp gầm dài giận dữ. Tiếng chân thú hốt hoảng xô nhau chạy. Hoang dã vô cùng, chàng nghĩ. Và bất giác, đôi môi dày vốn khắc nghiệt của chàng nhếch một nụ cười. Không ai có thể đọc hết ý nghĩa của nụ cười ấy. Vui ư? Có. Buồn ư? Có! Và nhiều hơn cả là sự mai mỉa. Mỉa mai cho cái thân phận một con người. Sao mi không chết đi?  Sao mi không bỏ mạng cùng quân Xiêm cùng sĩ tốt? Nếu vậy thì sao nhỉ?  Hẳn lúc này xác mi đã trôi theo sóng và lấp chìm vào bãi bờ nào đó. Nơi ấy chính là chỗ chôn vùi 250 năm thăng trầm của một dòng họ! Chàng tiếc mình không được chết tại trận như một tên lính. Ôi, nếu vậy sẽ nhẹ nhàng xiết bao, sẽ đơn giản biết bao! Hết tất cả: hết niềm vui, hết nỗi buồn, hết gây thù, hết chuốc oán, tất cả cái trò vô nghĩa vô vị của kiếp người.

    Trước mắt chàng vẫn hiện lên rần rần lửa cháy, gươm khua, súng nổ, máu phun, tiếng kêu gào, la thét, những con thuyền chìm. Một trận chém giết của địa ngục. Chàng chỉ kịp nhảy lên bờ và trối chết chạy. Không một lần ngoái lại nhưng chàng biết đoàn hộ giá chỉ còn mấy người. Chàng hơi yên lòng khi nhận ra vóc dạc đồ sộ của Nguyễn Văn Trị theo sát bên mình.

    Chàng bấm đốt ngón tay. Ðã ba ngày sau cái ngày kinh hoàng ấy. Vậy nay là ngày 10 tháng Chạp. Ba ngày chạy trốn chui nhủi, mệt nhọc, đói khát. Có lúc kiệt sức không chạy được nữa, Trị phải ghé vai cõng chàng.

   Chàng vẫn sống! Vẫn sống có nghĩa là chàng vẫn mang trên vai mình tất cả: gánh nặng của một giang sơn, một dòng họ, gánh nặng của mối thù. Bất giác chàng cảm thấy xót xa lo sợ cho bản thân mình, một con người nhỏ bé phải mang trên vai thân phận quá lớn lao.

    Ngước lên nền trời bàng bạc, chàng băn khoăn: khuya lắm rồi, mà sao đội thám thính vẫn chưa về? Họ sẽ mang về cho chàng điều gì? Liệu có gì đáng mừng? Có đường nào thoát ra khỏi con rạch như cái rọ này? Buổi chiều nay, để tránh quân tuần của Văn Ða, chiếc ghe chài của chàng phải lẩn vô con rạch. Rồi cứ phải đi tiếp đi tiếp hy vọng những lung rạch ngang dọc giữa lòng U Minh này sẽ mở ra lối thoát. Nhưng chiếc ghe chở chàng cứ như con cá lách dần lên cạn, lách mãi, lách mãi rồi cuối cùng chui vô cái rọ này. Toán thám thính của chàng đang tìm đường ra. Ruột nóng như lửa, chàng chắp tay sau lưng bước những bước ngắn trên sàn ghe hẹp. Hai tên lính canh đứng như hai cây cọc hai đầu. Phải chăng lại một trò đùa của số phận? Không cho chàng chết nơi chiến dịa, số phận bắt chàng phải chết lãng xẹt nơi vũng ao tù này?! Bất giác chàng rùng mình nghĩ tới Phúc Ðông anh ruột chàng cùng hai Chúa bị giặc Huệ bắt và giết thê thảm!

     Chàng lắng nghe tiếng động lạ trong rừng. Rồi tiếng bước chân rõ dần. Họ đã về, chàng mừng thầm trong bụng. Lên ghe, Trị tiến lại gần, giọng không giấu nổi lo lắng: "Bẩm Chúa công, sông Cái chỉ cách đây hơn một dặm. Nhưng toàn là rừng bịt bùng, không có đường nào thông ra sông hết. Hỏi dân, họ nói, đây là xứ Rọ Ghe." Bất giác chàng bật cười thành tiếng:
     -Phải, chúng ta đã đút đầu vô rọ!
Rồi chàng hạ giọng, cố nói vẻ bình thản: "Ông bố trí canh gác rồi đi nghỉ. Ta cũng nghỉ đây!"

    Ðặt lưng xuống sàn đã lâu mà chàng trằn trọc không thể nào ngủ được. Thao thức, nhưng thực tình chàng biết không thể nghĩ được điều gì khôn ngoan trong lúc này. Tất cả là ở lòng Trời! Lẽ nào Trời dẫn lối cho ta những năm qua, đến bây giờ Hoàng thiên lại để ta chết thảm nơi xó rừng này? Quá mệt, cuối cùng chàng cũng thiếp đi trong giấc ngủ nặng nề mộng mị. Chàng thấy mình rơi hun hút xuống một vực sâu rồi không hiểu sao lại từ đó bay lên trong ánh sáng cầu vồng ngũ sắc. Sáng ra chàng nói với bọn Trị: "Ta có cách rồi. Ông hãy đi mời tất cả dân làng tới gặp ta ở đây. Nói với họ: Chúa Nguyễn muốn gặp. Ông nhớ dặn quân lính chớ làm dân kinh động."

    Cuối giờ Thìn dân làng đã tề tựu ở khoảng đất trống bên bờ rạch. Từ trên ghe kín đáo nhìn xuống, chàng thấy trước mặt mình là những ông già phong sương, những chàng trai bộ dạng thô lậu quê mùa nhưng không có vẻ hung ác. Chàng hơi yên tâm và nghĩ trằng mình đã đúng. Chàng biết là không còn cách nào khác: quay ghe lại dứt khoát rơi vào tay giặc Huệ, còn bỏ ghe lên bộ, chẳng sớm thì chầy sẽ rơi vào nanh cọp dữ hay làm mồi cho sấu hoặc lút mất tăm trong bãi bùn sình nào đó. Cái sống cái chết của chàng tuỳ thuộc vào những người dân quê mùa này. Chàng lệnh cho tất cả chỉnh trang y phục, rồi theo chàng bước xuống. Khi cả bọn từ ghe xuống đã đứng hàng dọc trên bờ, chàng bước tới đám đông. Dân làng tò mò nhìn đám người lạ. Họ nhận ra một chàng trai trẻ dáng tầm thước, mặt dầy dạn sương gió nhưng uy nghi trong bộ quần áo màu vàng thêu rồng có những đường kim tuyến lóng lánh. Chàng tuổi trẻ nhìn thẳng và từ mắt chàng tỏa ra luồng nhỡn quang rờ rỡ khiến mọi người cúi mặt xuống. Tới gần đám đông, chàng dừng lại, vòng tay chào các bô lão rồi quay ra xá chung dân làng. Ðám đông dân làng ngước nhìn khi chàng dõng dạc lên tiếng:

    - Thưa các bô lão, thưa dân  làng! Ta Nguyễn Phúc Ánh có lời chào các bô lão cùng dân làng. Hôm qua, do chạy giặc gấp, ghe của ta tới địa phận đây. Nhưng chẳng may, nơi này lại là Rọ Ghe. Ta khác nào con chuột kẹt trong sừng trâu. Ðiều này là gì? Phải chăng điềm trời báo rằng dòng họ của ta tới đây chấm dứt? Nhớ lời cổ nhân: lòng người là lòng trời, nay ta gặp mặt dân làng để xem lòng trời phán bảo ra sao? Nếu quả thật ta hết lộc thì dân làng cứ chặt đầu ta nạp cho giặc Huệ mà lĩnh thưởng. Còn nếu dòng họ Nguyễn chưa hết phúc thì xin các bô lão cùng dân làng thể lòng trời mà cứu ta!

       Ðám đông dân làng xao động. Họ không thể ngờ lại có ngày hôm nay. Họ nhìn nhau và đưa mắt nhìn các vị bô lão chờ đợi. Các bô lão lại nhìn vào ông già cao tuổi nhứt, râu tóc bạc phơ nhưng còn tráng kiện, dáng phương phi vững chãi như một võ tướng. Ông lão bước lên một bước, cúi người xuống xá Chúa một vái dài, nói:
    -   Thưa Chúa công! Dù người có là ai chăng nữa nhưng khi gặp nạn ở đất này, người hãy yên lòng. Sống trong xứ U Minh, chúng tôi lấy nhân nghĩa làm trọng, không bao giờ đánh kẻ ngã ngựa và luôn cứu giúp người lâm nạn. Ðó là nói chung, còn với Chúa công thì không chỉ có vậy, bởi chúng tôi đều là con cháu của những lưu dân mà nhiều năm qua các Chúa đã đưa vô đây. Lưu đày là hình phạt khốc liệt nhưng dù sao cũng hơn là chết! Cha ông chúng tôi rồi tới chúng tôi được các Chúa cho mở đất rừng, sống cuộc sống tự túc, không thuế khoá, không tạp dịch... Trong thời loạn lạc này, được như vậy đã là đại phúc. Thưa Chúa công, chúng tôi dốt nát quê mùa, mới chỉ nhìn sự việc qua cái bao tử của mình. Còn nếu nhìn xa hơn, chúng tôi hiểu, cả giang sơn này là của Chúa. Hơn 200 năm nay, các tiên Chúa đã tiếp nối nhau khai mở miền đất phía Nam này. Cái công đức khai cơ là vô cùng lớn mà hậu thế phải đời đời ghi nhớ. Chúng tôi được nghe, sau khi hai Chúa bị sát hại, Chúa công tẩu quốc nhiều phen nguy khốn, ngàn cân treo sợi tóc. Nhưng sở dĩ Chúa còn đến nay là do dân phía nam, dân miền Hậu Giang còn hướng về nhà Chúa. Nay trong bĩ cực, Chúa công đến địa phận chúng tôi, âu đó cũng là ý trời. Trời muốn dân Rọ Ghe được chút đỉnh báo đền ơn các tiên Chúa cùng Chúa công. Thưa Chúa công, lòng người là lòng trời, vậy lòng chúng tôi muốn vì Chúa công biến cái tên đất Rọ Ghe này trở thành xứ Ra Ghe.

     Nghe như nuốt lấy những lời ông già, chàng cả mừng, vội nói:
    - Cảm ơn các bô lão, cảm ơn dân làng. Ơn cứu tử này ta sẽ khắc cốt ghi tâm. Nhưng chưa hiểu dân làng giúp ta bằng cách nào?
   - Xin người yên lòng, mời Chúa thượng và đại quan đi nghỉ, chúng tôi sẽ lo chu tất.

    Chàng nói gì đó vào tai Trị. Trị bước nhanh lên ghe, lát sau trở lại mang tới một gói nhỏ bọc trong mảnh lụa màu vàng. Chàng nói với ông già: cảm ơn dân làng. Ðể ghi nhớ ơn cứu tử hôm nay, ta xin tặng dân làng chút quà! Chàng bảo Nguyễn Văn Trị mở gói, mười lá vàng loá sáng trong tay viên võ tướng. Ông già đùn đẩy không nhận nhưng chàng nài ép mãi, ông vái Chúa một vái rồi nói: Nể tình Chúa thượng, lão xin tạm nhận! Hai tay nâng gói vàng, ông trao lại cho ông già đứng phía sau. Ðoạn ông gọi mấy người đàn ông lại gần, nói gì với họ rồi sau đó mỗi người một hướng tản đi. Một nhóm chặt cây phát bụi mở con đường ra Sông Cái. Một nhóm đi tới các nhà gom dây choại bện thành những chiếc chạc lớn và dài. Nhóm đi lùa từ rừng về  năm cặp trâu mộng. Mấy người đào cái rãnh thoai thoải trước mũi ghe để lấy đà kéo ghe lên. Nhiều chiếc ghe nhỏ được đưa về. Khi mọi việc chuẩn bị đã xong, việc kéo ghe bắt đầu. Một ông già leo lên mũi ghe, chít khăn màu đỏ, râu tóc bạc phơ, tay cầm chiếc trống nhỏ. Mọi người như nín thở nhìn theo ông. Ông giơ trống ra trước mặt, tay gõ vào tang trống cắc, cắc… cho mọi người chú ý rồi khua dòn một hồi. Năm đôi trâu rướn sức kéo và mấy chục người hò dô.  Trên mấy chiếc ghe phía sau, những trai tráng xúm vô cố đẩy. Chiếc thuyền từ từ nhô lên bờ. Cắc! Cắc! Cắc!... Khi chiếc dùi gõ vào tang trống, mọi người dừng lại thở thì chiếc ghe đã nằm trên mặt đất. Theo lệnh ông già, người ta kê cho chiếc ghe lên cao khoảng một thước ta. Sau đó dùng tràm đóng thành chiếc khung vững chãi bao lấy chiếc ghe. Phía đáy khung là hai cây tràm lớn, suôn đuột, song song với thân ghe. Trên con đường đã mở ra bờ sông, người ta dùng cây tràm lát thành hai đường song song. Chiếc lồng ghe được hạ xuống, đặt trên những con lăn bằng cây tràm. Hai cặp trâu được đóng giàm kéo chiếc lồng thuyền. Những người đi bên tiếp tay đẩy. Đám trai trẻ phía trước thay nhau vác tràm từ đoạn đường thuyền vừa đi qua, đưa lên trước rải đường. Ở những chỗ lầy thụt thì lót tràm làm nền đường. Lặng lẽ, chiếc ghe nhích từng chút một. Lúc đầu, chưa hiểu dân làng làm thế nào, chàng chỉ đứng xem. Nhưng sau đó, lây cái hăng hái của đám đông, chàng cũng xen vào đẩy. Bàn tay chàng phồng rát và mồ hôi trên mình đầm đìa. Tuy vậy chàng không hề mệt nhọc, lòng chàng nhẹ tênh. Khoảng giờ dậu, chiếc ghe đã sát mé Sông Cái. Chỉ cần đẩy nhẹ, ghe sẽ lao đi để trở lại cuộc đời sông nước. Nhưng vốn thận trọng, ông già dấu ghe trong một lùm cây trước bờ sông. Ông nói với chàng: "Bẩm Chúa thượng, công viêc như vậy là xong. Nhưng để người có thể lên đường được, còn cần phải coi lại ghe và và làm một số công việc. Chúng tôi sẽ đưa lương thực và nước ngọt lên ghe. Khuya nay, sang giờ tý, đúng giờ tốc hỷ, Chúa công có thể lên đường! Còn bây giờ xin mời Chúa công cùng các quan dự cuộc vui với dân  làng.

    Xung quanh đống lửa củi tràm cháy bập bùng tỏa mùi thơm hăng hắc, những manh đệm bàng được trải lên cỏ. Trên đệm, chiếc lá sen trải rộng, con cá lóc nướng trui vàng nhẫy cong mình như muốn nhảy. Bên cạnh là chén mắm me và cái bầu đựng rượu. Chàng được ông già mời ngồi rồi bóc vảy con cá, tách đám thịt bụng rắng ngần lấy ra bộ đồ lòng béo ngậy, chấm mắm me, kính cẩn đặt vào chén của chàng. "Kính mời Chúa công!" Ông già nói rồi rót từ bầu ra chung rượu sủi tăm cung kính đặt trước chàng: "Kính mời Chúa thượng thưởng thức món ăn quê mùa nơi thâm sơn cùng cốc!" Với những người dân này, chàng có thể yên tâm. Chàng tin và nể họ. Chàng nhận ra sức dân thật kỳ diệu. Tưởng mười mươi là cái chết nhưng chỉ với lòng dân, mọi việc xoay vần như trở bàn tay. Cùng với ý nghĩ miên man ấy, chàng nhấm nháp chất ngọt của rượu nơi đầu luỡi. Rượu ngon đấy nhưng chàng hơi ngại cái ruột cá mà ông già đặt vô chén của chàng. Ðiều này làm chàng khó xử. Không ăn thì phụ lòng các vị bô lão còn ăn thì chàng thấy gơm gớm. May thay trời đêm nên không ai thấy được vẻ mặt chàng lúc đó. Thôi thì, chàng tự nhủ rồi liều ngắt một mẩu ruột cá đưa lên miệng. Ðiều kỳ lạ đã xảy ra: không phải tanh mà là mùi thơm ngọt ngào đưa lên mũi trong lúc miếng thức ăn nhẹ nhàng tan trên đầu lưỡi, vừa béo vừa ngọt. Thật không ngờ! Và nhẩn nha, chàng ăn hết bộ đồ lòng. Một con rùa lớn đặt trong chiếc dĩa đại được đưa lên, còn nguyên con như rùa sống. Ông già gỡ bỏ mai rùa, từ dưới mai, thịt rùa trắng lộ ra. Ông kính cẩn gắp thịt rùa vào chén mời chàng. Không còn e dè như trước nữa, chàng gắp một mẩu thịt rùa đưa lên miệng. Miếng thức ăn tan ngay ở đầu lưỡi toả ra mùi thơm, vị ngọt lạ kỳ. Sau những ngày khốn quẫn trong mệt mỏi và đói khát, bữa ăn dân dã hôm nay với chàng hơn mọi yến tiệc. Chàng thêm quý người nơi này, chẳng những tuyệt cùng thông minh cứu chàng khỏi hoạn nạn mà còn biết làm ra những món ăn đơn giản nhưng khoái khẩu. Tiếp đó, mấy tráng đinh treo trên than củi một con nai tơ. Than hồng rực, mỡ từ con mồi nhỏ xuống xèo xèo. Một người chọc con dao nhọn vào đùi con vật. Từ vết dao, một miếng thịt nóng bỏng phun ra, bốc hơi nghi ngút. Miếng thịt được cắt khỏi con vật, cho vào cái chén rồi được dâng lên chàng. Chàng chấm mắm gừng rồi bỏ vào miệng miếng thịt còn nóng hổi, mềm và ngọt như chưa bao giờ chàng được ăn ngon đến vậy. Nhưng chàng ăn không được nhiều vì đã quá no. Hơn nữa, món này lại gợi chàng nỗi buồn khi nhớ lại những ngày thanh bình khi trước, chàng theo các tiên Chúa đi săn trong khu rừng ngự phía tây thành Phú Xuân. Tiệc gần tàn, một người con gái đứng ra hát trong tiếng đàn tranh réo rắt của người đàn bà già dáng mảnh mai:
         Trời xanh xanh
         Nước xanh xanh
         Núi non xây thành
         Ca khúc Nam hành

          Gió bụi nẻo đường
          Gối đất nằm sương
          Lìa quê hương
          Lòng thê lương

          Thân lưu đày
          Xiềng nặng tay
          Ði quên dặm dài
          Ði quên tháng ngày
          Phận lưu đày ai có hay.

    Chàng ngồi lặng đi rồi gọi cô gái tới gần:
-          Nàng hát hay nhưng buồn quá! Làm sao nàng có bài hát này?
       -    Thưa, mẹ thiếp là con hát. Còn cha thiếp cựu thần nhà Lê bị đi đày. Cha thiếp làm ra cho mẹ thiếp hát. Mẹ thiếp truyền lại cho thiếp.
     Ánh lửa bập bùng soi khuôn mặt người con gái khi tỏ khi mờ. Nàng có vẻ gì đó cao sang trong mớ y phục quê mùa nàng mặc. Phận lưu đày, chàng nghĩ thật cám cảnh. Chàng thấy thương cho kiếp người và thương cho chính chàng cũng đang là kẻ lưu đày. Bỗng dưng khoé mắt chàng ứa lệ.
      Ông già đến trước chàng: "Thưa Chúa thượng, sắp tới giờ lên đường rồi. Thay mặt dân làng, lão xin chúc Chúa thượng lộ bình an." Ông vẫy tay, mười chàng trai trẻ tiến đến cúi chào chàng. Ông già nói: "Dân chúng tôi nghèo, chỉ có tấm lòng. Dân làng xin gửi theo Chúa thượng mười trai đinh mong được hầu hạ bên mình rồng trong những bước gian truân sắp tới." Ðoạn cầm gói vàng ban sáng từ tay ông già đứng bên, ông lão tiếp: "Thưa Chúa thượng, ban sáng người có ban cho dân chúng tôi một số vàng. Cảm lòng Chúa, chúng tôi đã nhận! Còn bây giờ xin dâng Chúa để người còn chi dùng nhiều cho việc quân việc nước sắp tới." Không thể chối từ, chàng nâng hai tay nhận lấy gói vàng rồi đưa cho Nguyễn Văn Trị đứng bên cạnh.

      Mười trai đinh cùng lính tráng đã lên ghe, chàng còn bịn rịn chia tay dân làng:
       - Xin cảm ơn các bô lão, cảm ơn dân làng. Ý dân như ý trời. Lòng dân đã mở đường sống cho Ánh này, mai sau sự nghiệp hoàn thành, Ánh sẽ không bao giờ quên buổi hôm nay cùng ân nhân xóm Ra Ghe .
       Bằng cái đẩy nhẹ của nhiều người, chiếc ghe trườn xuống sông. Hai chục mái chèo khua gấp. Chiếc ghe băng băng lướt trên Sông Cái đưa chàng vào tiếp cuộc phiêu lưu. Một ngày mới bắt đầu, ngày 11 tháng Chạp năm Giáp Thìn. Mấy ngày nữa thôi, chàng sang tuổi hăm ba.
    Câu chuyện này được truyền tụng ở vùng U Minh Thượng. Có điều không hiểu vì sao  tên Ra Ghe không xuất hiện bên cạnh những địa danh U Minh khác gắn bó với thời bôn tẩu của Gia Long?

Rạch Giá 1990 

Trọng Thủy

Xuống ngựa, chàng mệt mỏi bước lên thềm. Nắng chiều rực sáng sắc chiến bào đỏ như lửa và cũng làm hiện rõ đôi chỗ rách ám khói. Vai trái chàng loang vệt máu. Mặt chàng sạm đen bết bụi. Ðôi mắt chàng u tối với vẻ đau khổ tới tận cùng. Chàng đứng lặng bồn chồn chờ đợi. Dáng vẻ chàng thật lạc lõng trước cảnh tấp nập của hành cung. Người vào người ra ai cũng vội vàng. Họ mang tới tin thắng trận và mang đi những mệnh lệnh khẩn cấp. Chỉ mình chàng đứng đó như con đại bàng cô đơn rũ cánh. Rồi người ta dắt tới đôi ngựa. Chàng vội vàng bước đến và cùng quân lính, chàng đem từ lưng ngựa xuống hai thây người đã lạnh cứng, đặt xuống nền thềm lạnh mà ai đó vừa trải lên chiếc chiếu cũ. Dù cho hoàng bào bê bết máu, dù cặp mắt nhắm nghiền không sinh khí, từ khuôn mặt ông già với mái tóc bạc, chòm râu dài và thưa vẫn tỏ ra vẻ uy nghiêm cao quý. Ðó là vua Thục. Bên nhà vua là nàng Mỵ Châu tội nghiệp. Chiếc áo lông thiên nga đẫm máu. Máu vẫn rỉ ra từ vết thương chí tử nơi ngực. Mắt nàng mở trừng trừng mang vẻ kinh ngạc hoảng loạn và khuôn mặt trái xoan thanh thoát toát lên vẻ đau khổ khôn cùng. Chàng nắn cho ngay thẳng bàn tay vua Thục đặt xuôi bên mình. Ai đó đắp lên người nhà vua manh chiếu. Cúi xuống người con gái, chàng nhẹ nhàng vuốt vuốt cho cặp mắt nàng khép lại rồi đột nhiên quỳ xuống gục bên ngực nàng. Tiếng nấc tắc nghẹn. Ðôi hàng lệ từ cặp mắt nhắm chặt của chàng ứa ra.

Bước từ trong ngôi đình làng tạm đặt làm hành cung ra, trong bộ võ phục màu huyết dụ, vua Triệu nhìn cảnh ấy. Ông lặng lẽ bước tới gần, cúi xuống vua Thục cùng nàng Mỵ Châu rồi đi tới dưới chân nhà vua đã chết, ông thành kính cúi đầu vái hai vái. Ðoạn lui ra truyền lệnh:
- Hãy an táng nhà vua theo lễ vương, bởi người là vị quốc vương hiền đức đáng trọng. Còn với nàng, táng theo lễ công chúa!
Nói rồi, ông rảo bước trở lại với công việc đang bộn bề. Ông đón tin mới từ mặt trận và ban bố những mệnh lệnh vỗ về các quan lại và phủ dụ dân chúng. Nhà vua thực lòng muốn chấm dứt can qua để dân sớm được làm ăn yên ổn.
***
Cảm thấy có ai nhìn mình, chàng mở mắt. Trong bộ đồ trắng toát, nàng đứng lặng bên giường, mắt nhìn đăm đăm. Không giận hờn, không oán trách, cặp mắt nàng là cả một vực đau buồn, không thể nhìn vào đấy mà không thấy nao lòng. "My! Mỵ. nàng." Chàng thảng thốt gọi, giọng nghẹn ngào rồi vùng dậy. Như chiếc bóng, như ảnh ảo, nàng chợt tan biến trong hơi gió lay động cánh rèm cùng làn hương nhẹ.
Tim đập rộn, chàng bước vội ra cửa. Cung điện vắng lạnh. Ngọn đèn lồng tỏa ra mờ mờ thứ ánh sáng nhợt nhạt màu máu loãng. Chàng hướng về ngọn gió đưa lại mùi hương. Chàng mường tượng nàng sẽ hiện ra sau những cây cột, sau một góc tường như trong cuộc chơi trốn tìm ngày nào và chàng được ôm gọn trong lòng tấm thân mềm mại yêu kiều. Chàng cứ bước đi tìm kiếm. Như kẻ mộng du, chàng đi khắp cung điện. Tất cả là vắng lặng và đây đó bốc lên hơi lạnh của tử khí khiến chàng rợn người. Trong tất cả những cái đó, chàng vẫn mong manh nhận ra hơi ấm từ nàng, mùi hương quen thuộc, không thể nhầm lẫn. Chàng cứ bước trong màn đêm huyền ảo. Cứ theo mùi hương dẫn đường, chàng xuống thang lầu, bước ra khoảng sân rộng. Ðầy trời trăng lạnh. Trăng như cũng tỏa ra mùi chết chóc. Sương giăng mông lung. Chàng bước theo con đường rải sỏi giữa những hàng cây cảnh. Chàng nhận ra mùi dạ lan hương, mùi hoa lý, mùi hoa ngọc lan quen thuộc. Mùi hương ấy là nàng. Nàng đâu? Nàng đâu? Nàng tan thành hương hoa. Bàn chân vô định dẫn chàng đi mãi. Chàng dừng lại bên hồ sen rộng. Hương sen thoảng nhẹ. Chàng như nghe vọng lên từ đó tiếng cười. Ðúng, tiếng cười trong trẻo của nàng. Mới đây thôi, dường như mới hôm qua, khi những bông sen đầu mùa vừa nở, nàng cùng chàng chèo chiếc thuyền nhỏ ra hái sen ướp trà dâng vua cha. Chàng tư lự ngắm nàng thấp thoáng giữa những đóa sen trắng sen hồng và tiếng cười nàng trong trẻo. Như mới hôm qua.
***
Chàng ra đi với nỗi bâng khuâng của kẻ xa xứ. Chàng bỏ lại phía sau thành Phiên Ngung thân thiết của tuổi thơ chàng, với cung điện nhỏ nhưng xinh xắn và ấm cúng, với người mẹ thương yêu chàng và con chàng, chú bé Triệu Hồ bi bô học nói. Chàng tư lự mỉm cười. Trong chuyến Nam du này, chàng giữ nhiều vai trò quá. Là chàng rể đến nhà cha vợ, chàng là gã con tin mang lại hoà hiếu giữa hai nước cựu thù và trên hết là tên gián điệp. Chàng như còn nghe rõ lời cha: "Thiên hạ nhà Tần sắp về nhà Hán. Như vậy nước của ta sẽ mất vào tay họ Lưu một sớm một chiều. Các bộ tộc Việt: Mân Việt, Lạc Việt, Dương Việt cũng sẽ chung số phận. Cách duy nhất thoát khỏi bại vong nô lệ là các bộ tộc Việt phải kết thành một khối, tạo nên quốc gia hùng cường. Trong các tộc Việt bây giờ, nước Âu Lạc của vua Thục là nước mạnh. Ðược nước của vua Thục, ta đủ tư cách xưng đế và đủ mạnh chống lại họ Lưu. Ðã hai lần ta tiến binh xuống phía Nam nhưng cả hai lần cùng phải rút về. Sức mạnh của Âu Lạc không thể xem thường. Nhà vua hiền đức, dân sẵn sàng chết vì vua của họ. Hơn nữa họ lại có nỏ liên châu của tướng quân Cao Lỗ. Phải rút quân về một phần vì khó thắng nổi họ cũng một phần vì ta không ham một chiến thắng như vậy: nó quá tàn khốc! Sau chiến thắng như vậy, người bại trận lại chính là ta vì ta tự làm tiêu tan sức lực và tinh thần người Việt, tự làm suy yếu mình để biến thành mồi ngon cho giặc phương Bắc. Nhưng không thể chần chờ được nữa, thời cơ khẩn cấp lắm rồi. Con phải làm việc đó, cái việc mà đạo quân hùng mạnh không làm được. Con tới triều đình vua Thục lấy bí quyết chế nỏ cho ta. Nhưng cái chính là sự có mặt của con sẽ khiến vua Thục tin vào thiện chí của chúng ta, không phòng bị nữa. Cuối cùng, ta giành phần thắng bằng cuộc tấn công bất ngờ." Nhìn chàng bằng cặp mắt sắc nghiêm nghị, cha nói tiếp: " Trong công việc của con, có vẻ gì đó không đàng hoàng không minh bạch nhưng đó là việc lớn lao, cứu vớt dân Việt, dựng nghiệp lớn cho họ Triệu." Chàng hiểu cha và chàng mường tượng ra cái vai trò lạ lùng của mình. Chàng bỗng mỉm cười. Trong nỗi buồn xa xứ, chàng dần dần tìm thấy niềm vui được tới miền đất lạ, được thỏa cái chí ham hiểu biết, ham chinh phục vốn chàng nhận được từ cha. Chàng cũng tự hào về công lao mình sẽ góp cho dân cho nước. Trước mắt chàng tương lai rộng mở: cha chàng lên ngôi đế trong vương quốc mênh mông rồi khi cha trăm tuổi, chàng thay cha làm vì đế kế nghiệp. Thuyền càng đi xa, nỗi buồn ban đầu vơi bớt và chàng vui thêm, càng nung nấu chí nam nhi.
Sự việc xảy ra ngoài mọi dự tính của chàng. Vua Thục đón chàng thật nồng hậu: "Công tử tới tệ quốc, quả nhân rất mừng. Mừng vì đưa con gái quê mùa của quả nhân được trao thân gửi phận làm dâu con quý quốc. Càng mừng hơn vì với mối nhân duyên này, can qua giữa hai nước sẽ chấm dứt. Công tử mang tới tệ quốc không chỉ chàng rể quý mà còn là sự thái bình." Chàng ngắm nhà vua. Trước mắt chàng là ông vua già đôn hậu đáng kính, như một tiên ông trong cổ tích. " Công tử hãy coi kinh đô này như nhà mình, coi người dân nơi đây như đồng bào của mình. Quả nhân biết, trong người công tử có nửa dòng máu Việt. Quả nhân được hay câu chuyện thế này, vào một ngày đẹp trời, tôn vương phụ thân công tử tuần du miền bể Ðông, tới đảo Ðồng Xâm, gặp cô thôn nữ chăn tằm dệt lụa. Người cảm mến nàng và nàng theo người về cung. Cô gái ấy sau này là thân mẫu của công tử. Dường như có điều gí đó do số mệnh dun dủi, quả nhân cũng có câu chuyện tương tự làm quà cho công tử. Trong một lần kinh lý miền Ðông, quả nhân tới đất Thao Bồi và gặp người thôn nữ. Người đó là mẹ của Mỵ Châu, đứa con gái quê mùa của quả nhân. Ðồng Xâm với Thao Bồi tuy nơi đất liền nơi ngoài hải đảo nhưng đâu có xa xôi gì, đường chim bay chỉ ngoài chục dặm." Ðiều này thì chàng biết. Chàng biết mình có nửa phần máu Việt. Ðiều đó khiến chàng dễ hòa với người với cảnh nơi đây và chính nó cũng tiếp tay cho mưu mô của cha chàng. Nhưng điều chàng cần biết nhất còn chưa phát lộ. Chàng chưa được gặp người sẽ là vợ chàng. Lòng chàng mừng lo lẫn lộn. Chàng muốn có người vợ đẹp để thỏa ước mong. Nhưng chàng cũng mong sao cho nàng chỉ đẹp vừa phải để ngày nào đó xa nàng, chàng không phải ân hận.
Kia rồi, cùng đám thị nữ đi vào, nàng kính cẩn quỳ lạy vua cha rồi nghiêng mình e lệ chào chàng. Bao lần sau này chàng nhớ về giây phút ấy, giây phút định mệnh. Nàng đẹp ư? Nói thế nghĩa là chẳng nói được gì! Nàng xuất hiện trước chàng như một ánh chớp. Ánh chớp đã thức tỉnh nơi chàng những gì chàng còn chưa biết. Vầng trán thanh tân, bầu má mịn màng, miệng cười hé mở e lệ ngon như trái hồng mọng và cặp mắt đen dài long lanh nước, cả thân hình nàng yêu kiều mềm mại. Giây phút ấy chàng bàng hoàng tưởng như không thực. Giây phút ấy mở ra cho chàng cuộc đời trước đây chưa từng có. Chàng ngây ngất thấy mình may mắn và hạnh phúc được hưởng thụ cống vật tuyệt diệu của tạo hóa. Cảm giác ban đầu ấy đã không lừa dối chàng. Ngược lại, nó càng đẹp hơn, hấp dẫn hơn trong cuộc sống vợ chồng. Ðấy là những ngày tháng trong mộng. Chàng cùng nàng về thăm kinh đô cũ Ngàn Hống, nơi phát tích của người Việt. Chàng cũng tới thăm núi đồi Ao Việt, nơi ngã ba Hạc Trắng cùng dẫy Nghĩa Lĩnh cao vời. Chàng cùng nàng về thăm quê ngọai Thao Bồi rồi từ đó đi thuyền đến đảo Ðồng Xâm quê mẹ của chàng. Chàng hòa mình trong tình yêu vô hạn của nàng, trong tình thương quý của những người dân Việt hồn hậu chân tình và mến khách, hòa trong vẻ kỳ thú của thiên nhiên gấm vóc. Mỗi ngày sống của chàng, mỗi bước đi của chàng là mỗi bước hòa mình vào những cái đang trở nên máu thịt thiêng liêng gắn bó với chàng. Nhưng trớ trêu thay, mỗi bước đi của chàng cũng là mỗi bước thâm nhập của tên gián điệp. Chàng đã quên vai trò gián điệp của mình để sống hết lòng trong vai trò người tình hạnh phúc. Nhưng càng sống trọn vai trò người chồng hạnh phúc chàng lại thành công hơn trong vai tên gián điệp. Bí mật lẫy nỏ đã trong tay chàng thật dễ trong một buổi nàng tập cho chàng bắn cung. Ðiều quan trọng hơn, vì tin chàng, vua Thục đã lơ là việc bố phòng. Nước Âu lạc ngỏ cửa.
Cha chàng theo sát từng bước đi của chàng. Chỉ cần chàng rời khỏi Loa thành. Tin mẹ chàng bị trọng bệnh được đưa tới. Chàng vội lên đường. Chiếc áo lông thiên nga là kỷ vật cuối cùng chàng gửi lại nàng.
***
Chàng thấy mình rơi rơi trong vực thẳm mịt mùng, rơi nhanh tới mức chàng xây xẩm mặt mày. Chàng dẫy dụa để cố thoát ra hay cố bám víu vào cái gì đó nhưng không được và chàng vẫn rơi. Chàng tự hỏi vì sao lại rơi lâu đến vậy, chàng không sao hiểu nổi. Hoảng sợ đến nghẹt thở, chàng thất vọng chịu trận chờ kết cục. Và khi nhìn thấy phía dưới là những ngọn sóng cuồn cuộn với những xoáy nước ào ào đập vào những mỏm đá nhọn hoắt, chàng thét lên, vung tay dẫy dụa. Khi biết mình vẫn sống và vừa trải qua cơn ác mộng cũng là lúc ngực chàng quặn lại trong nỗi đau buốt giá và chàng bỗng nhận ra nỗi mất mát vô tận trùm lấy chàng. Nàng đâu? Nàng đâu? Mỵ! Mỵ! Chàng gọi rồi quờ tay sang bên. Một nửa giường lạnh ngắt. Chàng với tay ôm chiếc gối vào lòng và cuộn luôn vào lòng cả đống xiêm y. Chàng ôm thật chặt rồi vục mặt vào hít đầy lồng ngực. Nàng đấy! Chàng càng ghì chặt thêm và càng căng ngực hít như nuốt vào mùi nàng thân thuộc. Chàng chợt rùng mình rồi vùng dậy, hất những thứ chàng đang ôm ấp ra xa. Máu! Máu! Chàng thét lên. Mùi máu tràn ngập. Mùi máu bốc ra từ tay chàng, từ người chàng. Cứ hiển hiện lên trước mắt chàng hình hài nàng nằm sóng xoài trên cát trắng, máu loang đỏ quanh người. Cách nàng không xa là nhà vua. Chính ta, chính ta đã giết nàng! Một lần nữa trong nhiều ngày qua chàng bị cái điều ghê gớm ấy hành hạ. Chính cái điều ghê gớm ấy đã khiến chàng bước ra khỏi thế giới mộng mị. Chàng ra ngoài cung điện.
Trăng sáng lạnh. Trong hơi sương, trong gió thoảng chàng nghe đâu đây mùi khét của nhà cháy và nơi nào đó ánh lửa cháy hồng hồng làm cho sương cũng hồng lên sắc máu. Chàng hiểu, cuộc tang thương còn đó. Ðó chính là tội ác của chàng. Bàn tay chàng đã thấm máu bao người mà trước hết là máu nàng. Chàng đưa tay ra trước mặt: hai bàn tay chàng ròng ròng máu chảy.Lòng chộn rộn không yên, chàng lê đôi chân vô định đi tiếp. Một lần nữa chàng lại thấy mình đứng bên hồ sen. Hương sen thoang thoảng và gió lay động sen hồ như từ đó đưa lên tiếng thầm thì trò chuyện, thoảng nghe như có tiếng nàng. Một bàn tay rắn chắc và ấm nóng đặt nhẹ lên vai chàng. Bằng linh cảm của tình máu mủ, chàng nhận ra tay cha. Cùng lúc một giọng trầm ôn tồn cất lên:
- Trọng Thủy con! Nhận ra trong giọng nói của cha già nỗi buồn thương vô hạn, chàng cúi đầu đáp khẽ:
- Dạ, thưa cha.
- Con vẫn chưa thôi buồn khổ sao? Không đợi chàng trả lời, ông tiếp, cứng rắn lên con. Cha hiểu nỗi buồn thương của con. Cha mong rồi nó sẽ nguôi ngoai. Ðừng để nỗi buồn làm tổn hao tâm trí. Cha cần con biết bao trong lúc này. Với bàn tay vẫn để trên vai chàng, ông dẫn chàng đi theo con đường lát đá trở lại cung điện. Khi hai cha con đã ngồi trong gian điện ấm áp, ông rót chung trà đặt trước chàng:
-Uống đi con, cho ấm người, ông nói. Ông nâng chung trà nhấp từng ngụm nhỏ, hương sen thoang thoảng mùi thơm thanh khiết.
-Thấy con buồn khổ biếng ăn biếng ngủ, lòng cha không yên. Cha cảm thấy đơn độc quá. Ðược nước của vua Thục, cái gánh trên vai cha càng nặng. Công việc bộn bề, lòng người chưa định. Chẳng mấy nữa, nhà Hán sẽ sinh chuyện. Biết bao việc phải làm: nào yên định lòng dân, nào khôi phục ruộng đồng chợ búa nào tổ chức bố phòng dẹp đám giặc cỏ và trông chừng quân Hán. Cha mong mỏi ở bàn tay trợ lực của con. Các quan với ta rất trung thành, cả những lạc hầu lạc tướng người Việt mới thu phục được cũng hết lòng với ta. Nhưng ai có thể thay được con?
Ðặt chung trà xuống, nhà vua nhìn vào mặt chàng với đôi mắt đăm đăm thương cảm:
- Cha hiểu lòng con. Con thương tiếc nàng và trong lòng con đang giầy vò về tội lỗi con gây ra. Ðiều đó có thực. Nhưng như cha đã từng nói với con là không còn cách nào khác. Thường nhân sẽ chê con là kẻ phản bội, là tên gian điệp, là kẻ bạc tình. Nhưng bậc trí giả muôn đời sẽ suy tôn con như người anh hùng cứu dân cứu nước. Lịch sử sẽ ghi công cha con ta như người khai sáng của nước Việt hùng mạnh và rộng lớn này. Con hiểu không, cha chỉ có thể nói với riêng con điều này, bằng lý trí của cha và bằng linh cảm của cha, cha cảm nhận rằng, cha con ta vừa làm được một việc rất quan yếu của lịch sử: giữ được phần đất phía Nam này để lấy chỗ dung thân cuối cùng cho người Việt.Công việc to lớn ấy chỉ mới bắt đầu, còn cần rất nhiều công sức của mỗi người nhưng trước hết là của cha con ta. Ðứng dậy khỏi chiếc ghế chạm rồng, ông bước mấy bước quanh phòng rồi dừng lại phía sau chàng trai đang gục đầu xuống bàn:
-Cứng rắn lên con, ông nói. Là đấng trượng phu, con không được phép ủy mị như thói nhi nữ thường tình. Thương nhớ nàng, con cứ để trong lòng nhưng con phải gạt khỏi mình mặc cảm tội lỗi bởi đó chỉ là ý niệm của những kẻ tầm thường. Con phải khẳng định rằng con có công rất lớn với người Việt, với đất nước Việt. Và trách nhiệm sau này của con càng to lớn hơn: con phải tu dưỡng để kế nghiệp cha thành vị đế vương hiền minh của người Việt!
Chàng nghe cha nói với lòng kính cẩn. Chàng hiểu lời cha là những lời máu thịt. Ðã hơn một lần chàng nghe lời cha như điều bất khả kháng về lý trí. Nhưng lòng chàng cô cùng bối rối. Tình yêu của chàng, hạnh phúc của chàng đã mất và cũng mang đi luôn lẽ sống của chàng. Trước mắt chàng lại như hiện ra cặp mắt nàng mở to hoảng hốt và đau đớn. Cặp mắt cứ dõi vào, cứ như lưỡi dao xoáy vào tâm trí chàng, không gì xóa nổi.
***
Cảm thấy có ai nhìn mình, chàng mở mắt. Trong bộ đồ trắng toát, nàng đứng lặng bên giường, mắt nhìn đăm đăm. Không giận hờn, không oán trách, cặp mắt nàng là cả một vực đau buồn, không thể nhìn vào đấy mà không thấy nao lòng. " My! Mỵ. nàng." Chàng thảng thốt gọi, giọng nghẹn ngào rồi vùng dậy. Như chiếc bóng, như ảnh ảo, nàng chợt tan biến trong hơi gió lay động cánh rèm cùng làn hương nhẹ.
Tim đập rộn, chàng bước vội ra cửa. Cung điện vắng lạnh. Ngọn đèn lồng tỏa ra mờ mờ thứ ánh sáng chợt nhạt màu máu loãng. Chàng hướng về ngọn gió đưa lại mùi hương. Chàng mường tượng nàng sẽ hiện ra sau những cây cột, sau một góc tường như trong cuộc chơi trốn tìm ngày nào để chàng được ôm gọn trong lòng tấm thân mềm mại yêu kiều. Và chàng cứ bước đi tìm kiếm. Như kẻ mộng du, chàng đi khắp cung điện. Tất cả là vắng lặng và đây đó bốc lên hơi lạnh của tử khí khiến chàng rợn người. Trong tất cả những cái đó, chàng vẫn mong manh nhận ra hơi ấm từ nàng, mùi hươnng quen thuộc, không thể nhầm lẫn. Chàng cứ bước trong màn đêm huyền ảo. Cứ theo mùi hương dẫn đường, chàng xuống thang lầu, bước ra khoảng sân rộng. Ðầy trời trăng lạnh. Trăng như cũng tỏa ra mùi chết chóc. Sương giăng mông lung. Chàng bước theo con đường rải sỏi giữa những hàng cây cảnh. Chàng nhận ra mùi dạ lan hương, mùi hoa lý, mùi hoa ngọc lan quen thuộc. Như kẻ mộng du, bàn chân chàng đưa chàng tới bên hồ sen. Hương sen bâng khuâng. Gió xao động trong hồ như từ đó vọng lên tiếng cười tiếng nói. Ôi tiếng cười vô ưu trong trẻo của nàng. Những đóa sen lay động thấp thoáng như mặt người dưới ánh trăng xanh. Cha ơi, chàng nói thành lời, xin cha tha tội cho đứa con bất hiếu. Con xin trả lại cha máu thịt của người, xin trả lại cha ngôi báu cùng vương quốc! Con phải theo nàng. Chỉ có nàng mới có thể hiểu con và tha thứ cho con. Chàng bước xuống hồ, bước xa nữa, xa nữa.
***
Hai nghìn năm qua đi. Nhiều thế hệ người Việt truyền cho nhau câu chuyện thế này: những con trai ở bể Ðông ngậm phải máu nàng Mỵ Châu đã sinh ngọc. Ngọc từ những con trai này nếu đem rửa bằng nước của hồ sen nơi chàng Trọng Thủy trầm mình sẽ trở nên tuyệt vời trong sáng.

Cũng hai ngàn năm ấy, thời gian như dòng nước vô tận đã rửa sạch những bụi nhơ bám vào chàng, trả lại cho chàng vẹn nguyên người anh hùng dựng nước đầu tiên và cũng là người tình nhân vĩ đại đầu tiên.