BÀI ĐỘC TIỂU THANH KÝ ĐƯỢC NGUYỄN DU VIẾT Ở ĐÂU, THỜI GIAN NÀO?


Hiện nay hầu hết các nhà nghiên cứu cho rằng bài Độc Tiểu Thanh ký được viết tại Hà Nội, vào những năm đầu Nguyễn Du làm quan nhà Nguyễn. Ý tưởng này dựa vào địa danh Tây Hồ trong bài thơ cùng với việc bài thơ được xếp ở vị trí cuối của Thanh Hiên thi tập, bên cạnh những bài  làm trong khoảng thời gian 1802-1804.
Từ phát hiện mới về tiểu sử Nguyễn Du, tôi cho rằng, có thể ông làm bài thơ này tại Hàng Châu, năm 1790.
 Xin được trình bày như sau.
I. Căn cứ vào tiểu sử Nguyễn  Du.
Tất cả các tài liệu xưa nay đều cho rằng, trong “mười năm gió bụi”, Nguyễn Du sống ở quê vợ Thái Bình. Nhưng mới đây, Tiến sĩ Phạm Trọng Chánh từ Đại học Sorbon Paris V công bố khảo cứu của ông [1,2] cho thấy, trong mười năm ấy, Nguyễn Du có thời gian đi giang hồ trên đất Trung Hoa. Sự thể như sau:
Năm 1785 vừa 20 tuổi, Nguyễn Du thi đỗ Tam trường tại trường thi Sơn Nam. Ngay sau đó, chàng trai trẻ được anh Nguyễn Khán giữ chức Thượng Thư Bộ Lại Hành Tham Tụng (tương đương với Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ kiêm quyền Thủ Tướng ngày nay) cử đứng đầu đội quân trú đóng tại Thái Nguyên -Tuyên Quang. Cùng chỉ huy quân đội còn có người anh em khác của Nguyễn Du là Nguyễn Quýnh (Sỹ Hữu) và Nguyễn Đăng Tiến (Nguyễn Đại Lang, Cai Gia), một võ tướng người Hoa trong phong trào phục Minh bài Thanh, đầu quân chúa Trịnh, được phong tước hầu và là anh kết nghĩa sinh tử của Nguyễn Du. Năm 1786 Nguyễn Huệ ra Bắc diệt nhà Trịnh. Năm 1787 Nguyễn Đăng Tiến thu thập tàn quân nổi đây đánh Tây Sơn. Bại trận, Tiến bị bắt nhưng được tướng Tây Sơn Vũ Văn Nhậm tha chết. Sách sử không nói gì tới Nguyễn Du trong biến cố này nhưng chắc rằng, với vai trò của mình lúc đó, Nguyễn Du tất có mặt bên Nguyễn Đăng Tiến. Sau khi được tha, Nguyễn Đăng Tiến, Nguyễn Du và Nguyễn Sỹ Hữu đi từ Thái Nguyên sang Vân Nam. Nguyễn Du bị bệnh ba tháng, sau đó xuất gia thành nhà sư Chí Hiên. Đến Liễu Châu, Nguyễn Đại Lang chia tay Nguyễn Du, về thăm quê cũ ở Việt Đông và hẹn ba năm sau gặp lại tại Trung Châu (Hàng Châu). Nguyễn Sỹ Hữu về Nam, làm chủ cuộc nổi dậy ở Hồng Lĩnh. Trong vai nhà sư, Nguyễn Du mang gươm dài trên vai, kinh Kim Cương trong túi, như nhiều nhà sư phái võ lâm đi nhờ những thuyền buôn, giúp họ làm lễ Phật giáo và chống trộm cướp. Khi thuyền ghé bến, Nguyễn Du tới ở đậu những cảnh chùa, tụng kinh Kim Cương làm công quả và nhận phần cơm chay độ nhật để vãng cảnh, làm thơ. Từ Liễu Châu, Nguyễn Du sang Quế Lâm, đi dọc theo sông Tương lên Trường Sa vào Động Đình Hồ đến Hán Khẩu, rồi theo sông Giang Hán đến Trường An. Sau đó từ Trường An theo đường sông và kênh Đại Vận Hà đến Hàng Châu năm 1790. Tại Hàng Châu, Nguyễn Du ngụ ở chùa Hổ Pháo, nơi Từ Hải tức Minh Sơn Hòa Thượng từng tu hành, đối diện Miếu Nhạc Phi, nơi đây Nguyễn Du chờ đợi Nguyễn Đại Lang nên có thì giờ viết 5 bài thơ về Nhạc Phi, Tần Cối và Vương Thị. Miếu Nhạc Phi cách chùa Hổ Pháo một con đê Tư (Su) nối liền hai thắng cảnh Tây Hồ. Quanh Tây Hồ là các thanh lâu nơi các nàng Kiều tiếp khách. Thời gian này Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân đã in và nổi tiếng. Nguyễn Du đọc và say mê nên quyết chí diễn Nôm tiểu thuyết này. Năm 2009 Tiến sỹ Phạm Trọng Chánh đã đi theo lộ trình của Nguyễn Du và kể lại trong sách của ông. Tuy ông không nói, nhưng chúng ta biết rằng, thời gian này, sách Phần dư tập của Tiểu Thanh cũng được xuất bản và rất nổi tiếng. Có thể chắc rằng, Nguyễn Du đã đọc sách này và vì cảm một cuộc đời tài hoa bạc mệnh, ông đã tới thăm mộ nàng và viết Độc Tiểu Thanh ký.
  Có một điều cũng cần làm rõ: Tố Như là tên tự của Nguyễn Du. Tên tự là tên chữ, dùng trong tầng lớp có học, được đặt sớm, sau khi đặt tên húy là tên khai sinh. Do vậy, trong bài thơ làm năm 24 tuổi, chàng trai trẻ xưng tên tự của mình là hợp lý.
II. Căn cứ vào các tập thơ chữ Hán Nguyễn Du
Sinh thời, thơ Nguyễn Du chưa được khắc in. Điều này có nghĩa, chúng ta không có được một văn bản thơ cố định, văn bản chết để đối chiếu. Mặt khác, các tập thơ hiện có của Nguyễn Du cũng không được sao lục từ bản gốc, mang thủ bút Nguyễn Du mà nó được chép lại từ nhiều nguồn. Điều này dẫn tới tình trạng là mọi câu thơ, nhất là vị trí bài thơ trong các tập thơ của Nguyễn Du mặc nhiên bị hoài nghi về tính xác thực. Mặt khác, với việc phát hiện mới về tiểu sử Nguyễn Du, ta thấy quan niệm hiện nay: “Cả ba cuốn Thanh Hiên thi tập (viết trong khoảng 1785-1802, khi Nguyễn Du lánh ẩn ở quê vợ, Thái Bình, rồi trở về Hồng Lĩnh và ra lại Bắc Hà làm quan triều Gia Long), Nam trung tạp ngâm (1805-1812, khi Nguyễn Du làm quan ở Huế rồi cai bạ Quảng Bình) và Bắc hành tạp lục (1813-1814, thơ viết trên đường đi sứ Trung Hoa)” như lời giới thiệu Thơ chữ Hán Nguyễn Du in năm 2000 do Vũ Quần Phương viết không còn chính xác. Rõ ràng nhiều bài được viết trên đất Trung Hoa: ba bài Biệt Nguyễn đại lang, bài Sơn thôn… lại được cho vào Thanh Hiên thi tập mà không được xếp vào Bắc hành tạp lục. Điều này theo tôi có hai khả năng. Hoặc là, Nguyễn Du xếp thơ mình vào từng tập không theo quy chuẩn thời gian chặt chẽ. Hoặc là người sau, khi chép lại thơ Nguyễn Du đã thay đổi vị trí. Phải chăng bài Độc Tiểu Thanh ký được người sau xếp vào Thanh Hiên thi tập dựa theo địa danh Tây Hồ? 
III. Căn cứ vào nội dung bài thơ.
Thơ là tức cảnh sinh tình, thơ cũng là ngôn chí. Thơ hay là những bài ngụ được tình, chí của tác giả trước cảnh, vật. Với quy chuẩn như vậy, bài Độc Tiểu Thanh ký được coi là một trong những bài thơ 
hay nhất của Nguyễn Du.

Tây hồ hoa uyển tẫn thành khư,
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư.
Chi phấn hữu thần liên tử hậu,
Văn chương vô mệnh lụy phần dư.
Cổ kim hận sự thiên nan vấn,
Phong vận kỳ oan ngã tự cư.
Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?

 Bốn câu đầu là thứ rượu, là loại hương tinh chất nhất được cất lên từ toàn bộ cuộc đời và số phận con người bất hạnh Tiểu Thanh. Câu thứ năm trung tính mang một triết lý sâu sắc mà cũng phổ biến trong cõi nhân sinh: Cổ kim hận sự thiên nan vấn. Và sau sự bài binh bố trận kỳ diệu ấy nói về người, nói về đời, Nguyễn Du dành ba câu cuối nói về bản thân.                
Phong vận kỳ oan ngã tự cư.
Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?
Nhiều người cho rằng. là nhà thơ giầu cảm xúc lại là nhà nhân văn lớn, một khi đồng cảm với những tài hoa bạc mệnh, cả với những cô hồn nên Nguyễn Du cũng đồng cảm với Tiểu Thanh. Điều này hoàn toàn đúng. Nhưng nếu nhìn vào Nguyễn Du thời giang hồ ở Trung Hoa với tình cảnh  nước mất, nhà tan, phải ăn nhờ ở đậu, trên con đường lang thang vô định, ta thấy tâm sự chàng trai 24 tuổi gần gũi hơn với cô gái 18. Một sự tương liên, đồng khí tương cầu…Và ta đễ dàng tưởng tượng: giữa đêm, chong đèn đọc Phần dư, từ sau song cửa, nhà thơ bằng trí tưởng nhìn ra Tây Hồ thấy cảnh hoa uyển tẫn thành khư cùng ngôi mộ đơn côi. Và nhà thơ trẻ nhỏ nước mắt cho tài hoa bạc mệnh. Nước mắt thi nhân đọng thành thơ bất hủ! Tôi cho rằng, bài thơ ra đời lúc này hợp lý hợp tình hơn khi ông quan Nguyễn Du ra Thăng Long 15 năm sau đó.
Tôi đồng ý với ông Phạm Trọng Chánh là trong Lưu Hương ký Hồ Xuân Hương có viết Chơi Hồ Tây nhớ bạn tặng Nguyễn Du [3]:

Phong cảnh Tây Hồ chẳng khác xưa.                                                                                                  Người đồng châu trước biết bao giờ                                                                                                     Nhật Tân đê lở nhưng còn lối                                                                                                                     Trấn Quốc rêu phong vẫn ngấn thơ                                                                                                         Nọ vực trâu vàng trăng lọt bóng                                                                                                             Kìa non Phượng đất khói tuôn mờ                                                                                                           Hồ kia thăm thẳm sâu nhường mấy                                                                                                          So dạ hoài nhân dễ chửa vừa

Câu Phong cảnh Tây Hồ chẳng khác xưa phủ định việc Độc Tiểu Thanh ký được viết ở Hà Nội. Do lẽ Hồ Tây hôm nay so với cảnh hơn 10 năm trước, khi Nguyễn Du ra đi không thay đổi nên Tây Hồ hoa uyển Tẫn thành khư không thể là của Hồ Tây Hà Nội được!
Bài này được viết để trả lời bài Độc Tiểu Thanh ký của Nguyễn Du. Nhưng tôi cho rằng, nhiều khả năng năm đó ra Hà Nội không gặp người cũ, Nguyễn Du đã để lại Phần dư tập của Tiểu Thanh và bài Độc Tiểu Thanh ký của mình tặng Xuân Hương. Khi về nhận thơ, Xuân Hương đã viết thơ này.
                                                                        
                                                                                                               Sài Gòn, Xuân Bính Thân 
                 
1. Nguyễn Du mười năm gió bụi (1786-1796) Khuê Văn, Paris 2010
2. Đi theo hành trình Nguyễn Du Bắc Hành Tạp Lục: Thơ đi sứ năm 1813 và những bài thơ được sáng tác trong thời gian đi giang hồ (1787-1790)
http://vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin-van-hoa/di-theo-hanh-trinh-nguyen-du-bac-hanh-tap-luc-tho-di-su-nam-1813-va-nhung-bai-tho-da-duoc-sang-tac-trong-thoi-di-giang-ho-1787-1790
3. Phạm Trọng Chánh. Hồ Xuân Hương nàng là ai? Khuê Văn, Paris 2001